Tiểu luận: Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành trong thời kỳ 1920 – 1930

2:35 AM |


NGUYỄN BÁ SƠN
sonnb@thehehochiminh.net
Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969) là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hoá thế giới” (UNESCO – 1987), là “một trong một trăm nhân vật ảnh hưởng nhất thế kỷ XX” (TIME – 2005). Người là người con ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam. Điếu văn của BCH TW Đảng Lao động Việt Nam – 1969 viết: “Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta”.
Hồ Chủ tịch đã để lại cho dân tộc và nhân loại một di sản đồ sộ, vô cùng quý báu. Đó là cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong kho tàng ấy, Tư tưởng Hồ Chí Minh giữ một vị trí đặc biệt. Cùng với Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành“kim chỉ nam cho hành động” của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đó là thứ vũ khí lý luận vô cùng sắc bén, là ngọn hải đăng soi đường chỉ lối cho dân tộc Việt Nam tiến về phía trước.
Việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng đã được tiến hành từ mấy chục năm nay với sự góp mặt của đông đảo các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Trong quá trình nghiên cứu ấy, các nhà lý luận một mặt làm rõ khái niệm, các nội dung cụ thể của Tư tưởng Hồ Chí Minh, mặt khác còn chia sự hình thành và phát triển của Tư tưởng Hồ Chí Minh thành những giai đoạn khác nhau.Việc phân kỳ các giai đoạn như vậy để ta hiểu sâu sắc các mốc phát triển quan trọng, nắm được nội dung tư tưởng quan trọng của Người trong từng thời kỳ. Đó không phải sự phân chia đứt đoạn bởi Tư tưởng Hồ Chí Minh là một quá trình phát triển liên tục, nhất quán, có kế thừa, phát triển, loại bỏ những quan điểm không phù hợp, có những luận điểm tư tưởng của Người được hình thành, bổ sung suốt đời. Vì vậy, tiêu chí cơ bản để phân kỳ là dựa vào nội dung chuyển biến về mặt tư tưởng của Hồ Chí Minh trong từng thời kỳ cụ thể chứ không phải dựa vào các mốc thời gian hoạt động của Người.
Trên cơ sở phân tích trên, chúng ta có thể phân chia sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh thành năm thời kỳ như sau:
1.     Thời kỳ hình thành tư tưởng yêu nước, thương nòi (trước năm 1911)
2.     Thời kỳ tìm tòi con đường cứu nước, giải phóng dân tộc (1911 – 1920)
3.     Thời kỳ hình thành cơ bản tư tưởng về cách mạng Việt Nam (1920 – 1930)
4.     Thời kỳ thử thách, kiên trì giữ vững quan điểm, nêu cao tư tưởng độc lập, tự do và quyền dân tộc cơ bản (1930 – 1945)
5.     Thời kỳ tiếp tục phát triển mới về tư tưởng kháng chiến và kiến quốc(1945 – 1969)
Trong 5 giai đoạn phát triển đó, giai đoạn từ 1920 đến 1930 giữ một vai trò đặc biệt quan trọng với 10 năm hoạt động sôi nổi nhất, quyết liệt nhất của Hồ Chí Minh. Bởi nếu nội dung chính của Tư tưởng Hồ Chí Minh “là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam” thì giai đoạn này chính là giai đoạn hình thành những tư tưởng cơ bản đó.
Việc nghiên cứu giai đoạn hình thành phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh từ 1920 – 1930 vì thế là yêu cầu tất yếu trong quá trình tìm hiểu về Hồ Chí Minh nói chung, tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Đó chính là lý do cũng là nội dung của Tiểu luận này, với tiêu đề: Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành trong thời kỳ 1920-1930 – giai đoạn hình thành tư tưởng cơ bản về con đường cách mạng Việt Nam.
1. Lý do chọn đề tài
Việc lựa chọn đề tài này nhằm mục đích nghiên cứu học tập sâu về Tư tưởng Hồ Chí Minh, nguồn gốc – quá trình hình thành qua các thời kỳ lịch sử khác nhau. Chú trọng làm rõ thời kỳ 1920 – 1930.
2. Mục đích nghiên cứu
Tiểu luận làm rõ những sự kiện chính trong quãng thời gian hoạt động 1920 – 1930 của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, qua đó chỉ ra những Tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh xuất hiện trong thời kỳ này, thấy được những thay đổi, phát triển trong những tư tưởng ấy so với những thời kỳ trước.
3. Phạm vi nghiên cứu
– Về quãng thời gian nghiên cứu: từ năm 1920 đến hết năm 1930, mở đầu bằng mốc 1920 với sự kiện Bác tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, kết thúc là 1930 – Người chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc.
– Về không gian nghiên cứu: theo phạm vi hoạt động của Nguyễn Ái Quốc. Trong đó: từ 1920 đến 1930 – Người sống và hoạt động tại Pháp, tại Liên Xô (1923 – 1924), Trung Quốc (1924 – 1927), Thái Lan (1928 – 1929), và thống nhất các tổ chức cộng sản ở Trung Quốc (1930).
– Về tài liệu nghiên cứu: Tiểu luận dựa trên các loại tài liệu dưới đây:
+ Các công trình nghiên cứu về tiểu sử, tư tưởng, cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh.
+ Văn kiện Đảng, Lịch sử Đảng quãng thời gian 1920 – 1930 về việc ra đời của Đảng, Cương lĩnh chính trị đầu tiên.
+ Các tác phẩm của Hồ Chí Minh: bài nói, phát biểu, kết luận, bài báo, đặc biệt các tác phẩm tập hợp thành cương lĩnh chính trị đầu tiên (tập hợp trong Hồ Chí Minh toàn tập)
+ Tài liệu về lịch sử Việt Nam, lịch sử thế giới có liên quan để hiểu bối cảnh ra đời và phát triển của Tư tưởng Hồ Chí Minh.
4. Tóm tắt nội dung chính
Phần I – Khảo sát những sự kiện chính ảnh hưởng đến sự hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn này.
I.1 Bối cảnh trong nước và thế giới tác động đến việc hình thành Tư tưởng Hồ Chí Minh
I.2 Những mốc sự kiện hoạt động chính của Hồ Chí Minh trong thời kỳ này ảnh hưởng đến việc hình thành tư tưởng.
Phần II – Những nội dung Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành trong giai đoạn này
I – Hình thành tư tưởng về con đường cách mạng giải phóng dân tộc
1. Mục tiêu
2. Bản chất
3. Phương pháp cách mạng
4. Tập hợp lực lượng
II – Hình thành tinh thần đoàn kết quốc tế, mối quan hệ cách mạng VN với cách mạng thế giới
– Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa
– Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức á đông
III – Hình thành tư tưởng về Đảng cộng sản, đảng cầm quyền và cán bộ cách mạng
1. Hội VNCM TN -> Đào tạo cán bộ “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc”
2. Đường kách mệnh
3. Cương lĩnh chính trị đầu tiên
IV – Ngoài ra, thời kỳ 1920 đến 1930, Hồ Chí Minh cũng tiếp tục phát triển tư tưởng yêu nước mở rộng mối hiểu biết về văn hoá, thế giới
V – Những nội dung tư tưởng mà Người vận dụng sang tạo và phát triển CN Mác – Lênin trong thời kỳ này



NỘI DUNG
PHẦN I – KHẢO SÁT NHỮNG SỰ KIỆN CHÍNH ẢNH HƯỞNG ĐẾN SỰ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH TRONG GIAI ĐOẠN NÀY
I.1 Bối cảnh trong nước và thế giới ảnh hưởng đến sự hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
– Thế giới: từ cuối thế kỷ XIX, Chủ nghĩa tư bản (CNTB) chuyển từ tự do cạnh tranh sang tư bản độc quyền. Chủ nghĩa đế quốc xuất hiện đã đặt ách áp bức thống trị dưới nhiều hình thức khác nhau ở hầu hết các nước Á – Phi – Mỹ Latinh. Cùng với mâu thuẫn gay gắt giữa giai cấp vô sản với tư sản và mâu thuẫn giữa các nước tư bản với nhau, xuất hiện mâu thuẫn giữa các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc với chủ nghĩa đế quốc thực dân. Mâu thuẫn đó ngày càng phát triển và trở thành mâu thuẫn hết sức sâu sắc của thời đại.
Chủ nghĩa Mác – Lênin ra đời cùng với sự thắng lợi của Cách mạng Xã hội chủ nghĩa (XHCN) tháng Mười Nga 1917 đã mở ra một thời đại mới cho nhân loại: thời đại cách mạng vô sản (CMVS) và cách mạng giải phóng dân tộc (GPDT).
Phong trào cách mạng trên thế giới phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy: từ CMVS ở các nước chính quốc (Anh, Pháp, Đức…) đến cách mạng GPDT ở các nước thuộc địa và phụ thuộc (Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á, Mỹ La tinh…)
– Việt Nam: Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên trong cảnh nước mất, xã hội VN là xã hội thuộc địa nửa phong kiến, nhân dân VN phải chịu hai tầng áp bức bóc lột: thực dân và phong kiến. Cách mạng VN cũng có nhiều bước phát triển trong trào lưu chung của cách mạng thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều phong trào đấu tranh cứu nước dù theo khuynh hướng phong kiến hay tư sản, tiểu tư sản tuy có anh dũng nhưng đều thất bại trước sự đàn áp của thực dân Pháp. Sự bất lực của những phong trào ấy đã chứng tỏ sự bế tắc về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng. Nhu cầu cấp bách của dân tộc là phải tìm ra một con đường cứu nước đúng đắn, phù hợp với thực tiễn VN.
Trong bối cảnh đó, Hồ Chí Minh đã có những bước đi thích hợp để tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc. Và những sự kiện nóng bỏng của tình hình thế giới cũng như trong nước là một nhân tố có tác động không nhỏ đến việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.
II.2 Những mốc sự kiện chính trong cuộc đời hoạt động cũng có ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh
Thời kỳ từ năm 1920 đến năm 1930 nổi lên mấy sự kiện lớn:
– Từ 1920 đến 1930: tháng 7/1920, Hồ Chí Minh đọc Sơ thảo Lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin. Đây là một sự kiện có tác động lớn đến khuynh hướng cứu nước của Người về sau. Tiếp đó, Hồ Chí Minh hoạt động với cương vị Trưởng tiểu ban Đông Dương trong Ban nghiên cứu thuộc địa của Đảng Cộng sản Pháp, tham dự Đại hội I và II của Đảng.
Cùng với những nhà hoạt động cách mạng của các dân tộc thuộc địa Pháp, Hồ Chí Minh thành lập “Hội liên hiệp thuộc địa” và xuất bản tờNgười cùng khổ (Le Paria). Hồ Chí Minh đã hoạt động tích cực trong cương vị lãnh đạo hội, đồng thời là người chịu trách nhiệm mọi mặt của tờ Người cùng khổ. Những hoạt động sôi nổi đó có ảnh hưởng không nhỏ đến phong trào cách mạng ở các thuộc địa nói chung cũng như Việt Nam nói riêng.
– Từ năm 1923 đến 1924: Hồ Chí Minh sang Liên Xô, lúc đầu để tham dự Hội nghị Quốc tế Nông dân và được bầu vào Đoàn Chủ tịch. Sau đó Người được lưu lại và tham quan triển lãm kinh tế quốc dân Liên Xô, tận mắt chứng kiến những thành tựu về mọi mặt của nhân dân Liên Xô, sau đó vào học lớp bồi dưỡng tại trường Đại học Phương Đông.
Năm 1924, Hồ Chí Minh tham dự Đại Hội V Quốc tế Cộng sản. Sau đó, Người còn lần lượt tham dự Đại hội Quốc tế Thanh niên, Quốc tế Cứu tế đỏ, Quốc tế Công hội đỏ.
Việc được tham dự các Hội nghị Quốc tế lớn, học tập lý luận trong trường học cũng như quan sát thực tiễn cách mạng Liên Xô có ảnh hưởng rất lớn đến việc định hình quan điểm cách mạng của Hồ Chí Minh.
– Cuối năm 1924: Hồ Chí Minh tới Quảng Châu – Trung Quốc. Được sự ủy nhiệm của Quốc tế Nông dân, Người tham gia chỉ đạo phong trào cách mạng và phong trào nông dân ở Trung Quốc và một số nước châu Á.
Tại Quảng Châu, Hồ Chí Minh sáng lập “Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên” (6/1925), tổ chức sau này sẽ thành tiền thân của Đảng Cộng sản VN. Người còn ra báo Thanh niên làm cơ quan ngôn luận của Hội, mở các lớp huấn luyện trực tiếp đào tạo cán bộ cho cách mạng VN. Những bài giảng của Người được tập hợp thành cuốn “Đường kách mệnh” (1927).
– Năm 1930: phong trào cách mạng Việt Nam phát triển mau chóng, hình thành ở trong nước ba tổ chức cộng sản hoạt động độc lập. Một yêu cầu khách quan đặt ra là phải thống nhất các tổ chức làm một. Theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, tháng 2/1930, Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Hợp nhất các tổ chức cộng sản, sáng lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Chính Người đã soạn thảo Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Điều lệ vắn tắt và Lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng. Những văn kiện đó chính làCương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta, cũng là những tác phẩm thể hiện cao độ những nội dung cơ bản của Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Phần II – NHỮNG NỘI DUNG TƯ TUỞNG HỒ CHÍ MINH HÌNH THÀNH TRONG GIAI ĐOẠN TỪ 1920 ĐẾN 1930
“Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam”. Những luận điểm về cách mạng Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành, phát triển suốt đời cùng sự biến đổi của thực tiễn cách mạng và quá trình nhận thức của Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, giai đoạn từ 1920 đến 1930 đáng được ghi nhận là  một trong những giai đoạn quan trọng bậc nhất trong quá trình hình thành và phát triển của tư tưởng Hồ Chí với sự hình thành tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, về đảng cộng sản, về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng quốc tế…
Những nội dung tư tưởng hình thành trong giai đoạn này thể hiện ở những hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh và chủ yếu ở các tác phẩm:Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), Đường kách mệnh (1927), và các tác phẩm tập hợp trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng (1930).
I – Giai đoạn từ 1920 đến 1930 đã hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc
Trong đó, Hồ Chí Minh đã xác định rõ mục tiêu, bản chất của cách mạng giải phóng dân tộc, từ đó có cái nhìn đúng đắn về phương pháp đấu tranh và phương pháp tập hợp lực lượng.
Về Mục tiêu của cách mạng: cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng nhân dân lao động, giải phóng giai cấp công nhân, phải kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội.
Như chúng ta đã biết, Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước với một xuất phát điểm duy nhất là long yêu nước thương nòi. Người muốn ra nước ngoài, “xem nước Pháp và các nước khác làm thế nào rồi sẽ về giúp đồng bào mình”. Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì đó là tổ chức duy nhất bênh vực quyền lợi của các thuộc địa mà chưa hề có nhận thức rõ ràng về Chủ nghĩa Mác – Lênin, về Chủ nghĩa xã hội. Đúng như sau này, Người đã thổ lộ: “Lúc bấy giờ, tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự nhiên. Tôi chưa hiểu hết tầm quan trọng lịch sử của nó. Tôi kính yêu Lênin vì Lênin là một người yêu nước vĩ đại đã giải phóng đồng bào mình; trước đó, tôi chưa hề đọc một quyển sách nào của Lênin viết.
Tôi tham gia Đảng Xã hội Pháp chẳng qua là vì các “ông bà” ấy- (hồi đó tôi gọi các đồng chí của tôi như thế) – đã tỏ đồng tình với tôi, với cuộc đấu tranh của các dân tộc bị áp bức. Còn như Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là gì, thì tôi chưa hiểu.” (Con đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin – Bài viết cho tạp chí Các vấn đề phương Đông (Liên Xô) nhân dịp kỷ niệm lần thứ 90 ngày sinh của V.I.Lênin, năm 1960.)
Tháng 7 năm 1920, một sự kiện có tính chất bước ngoặt xảy ra với Hồ Chí Minh, khi lần đầu tiên Người đọc trên báo Nhân đạo của Đảng xã hội Pháp “Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin. Theo Người thì tuy bài báo có những khái niệm chính trị khó hiểu nhưng “cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên”. Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lênin, ủng hộ Quốc tế III.
Đó cũng là cơ sở cho quyết định lịch sử của Hồ Chí Minh 5 tháng sau đó, tháng 12 năm 1920, tại Đại hội Đảng Xã hội Pháp họp tại Tua, Người đã bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế cộng sản và tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Người trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên. Người đã đi từ Chủ nghĩa yêu nước đến với Chủ nghĩa Mác Lênin.
Hồ Chí Minh khẳng định: bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin. Người viết: muốn giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đừơng cách mạng vô sản. “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Từ đó, Hồ Chí Minh ra sức tuyên truyền Chủ nghĩa Mác – Lênin vào trong nước, thành lập Đảng cộng sản để lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến thành công.
Về Bản chất của cách mạng: các mạng thuộc địa trước hết là một cuộc “dân tộc cách mệnh”, đánh đuổi đế quốc xâm lược, giành lại độc lập tự do.
Đây là một cách nhìn nhận, đánh giá hết sức đúng đắn của Hồ Chí Minh. Người đã nhìn ra mâu thuẫn cơ bản của một xã hội thuộc địa, đó là mâu thuẫn dân tộc. Khát vọng lớn lao nhất của người dân là được độc lập, tự do. Vì thế, trước hết phải thực hiện cuộc dân tộc cách mệnh để đánh đuổi ngoại xâm, thành lập chính quyền do nhân dân làm chủ. Đó là tiền đề, cũng là điều kiện tiên quyết để tiến hành đấu tranh giai cấp, xây dựng kinh tế xã hội…v.v.v..
Về Xác định và tập hợp lực lượng: giải phóng dân tộc là việc chung của cả dân chúng, phải tập hợp lực lượng dân tộc thành một sức mạnh lớn để chống đế quốc và tay sai. Trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng, Hồ Chí Minh viết: “Đảng phải thu phục cho được đại đa số dân cày và phải dựa vững vào hạng dân cày nghèo”. Đồng thời lại “phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức trung nông… để lôi kéo họ về phe vô sản giai cấp. Còn đối với phú nông, trung, tiểu địa chủ và tư bản Việt Nam mà chưa rõ mặt phản cách mạng thì phải lợi dụng, ít nữa là làm cho họ trung lập. Bộ phận nào đã ra mặt phản cách  mạng thì phải đánh đổ”.
Có thể đánh giá đây là quan điểm thể hiện tầm cao của tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã vượt qua được những hạn chế của các đồng chí đương thời của mình, thường nhấn mạnh quá cao vấn đề đấu tranh giai cấp mà không chú ý tận dụng được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc để đánh đổ kẻ thù chung, đáp ứng yêu cầu khẩn thiết nhất của lịch sử.
Trong các văn kiện do mình soạn thảo, Hồ Chí Minh vừa xác định rõ đâu là bạn, đâu là thù của cách mạng. Đồng thời cũng nhìn ra đâu là những bộ phận có thể bắt tay hợp tác có điều kiện. Những thắng lợi của phong trào cách mạng tháng Tám 1945 và các cuộc kháng chiến về sau đều có sự góp mặt của một nhân tố quan trọng: chúng ta đã nhìn nhận và tập hợp lực lượng được đúng đắn, phát huy được sức mạnh “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Về xác định Phương pháp đấu tranh: cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, của cả dân tộc đại đoàn kết. Phải tổ chức quần chúng, lãnh đạo và tổ chức đấu tranh bằng các hình thức và khẩu hiệu thích hợp. Phương pháp đấu tranh để giành chính quyền, giành lại độc lập tự do là bằng bạo lực của quần chúng và có thể bằng phương thức khởi nghĩa dân tộc.
Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và rút ra kinh nghiệm lịch sử từ các vị tiền bối. Người đánh giá các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… đều là những vị anh hùng dân tộc, yêu nước thương dân nhưng phương pháp đấu tranh của các cụ chưa đúng và Người không đồng tình. Trong “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Trần Dân Tiên đã phân tích nhận định của Hồ Chí Minh trước khi ra đi tìm đường cứu nước như sau:
“Anh (Trần Dân Tiên dùng để gọi Nguyễn Tất Thành) khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu, nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của một người nào. Vì:
Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu Người Pháp thực hiện cải lương. Anh nhận điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương.
Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”.
Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn, vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến.
Anh thấy rõ và quyết định chọn con đường nên đi…”.
Hồ Chí Minh thấy rằng chỉ có bằng bạo lực của quần chúng nhân dân, vàphải tự dựa vào mình “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, chứ không thể ỷ lại trông chờ bên ngoài.
Đó là những nhận thức đúng đắn đem lại nền độc lập cho nước ta ngày nay.
II – Giai đoạn từ 1920 đến 1930 đã hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc, cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới
Cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có quan hệ mật thiết với nhau. Cách mạng thuộc địa không lệ thuộc vào cách mạng ở chính quốc mà có tính chủ động, độc lập. Cách mạng thuộc địa có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng ở chính quốc và giúp cho cách mạng ở chính quốc trong nhiệm vụ giải phóng hoàn thành.
Phải đoàn kết và liên minh với các lực lượng cách mạng quốc tế, song phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường, không được ỷ lại chờ đợi sự giúp đỡ của quốc tế.
* Những cơ sở hình thành tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh
Tinh thần đoàn kết quốc tế trong tư tưởng Hồ Chí Minh được hình thành trong quá trình hoạt động thực tiễn sôi nổi của Hồ Chí Minh trong phong trào công nhân quốc tế, cũng là sự kế thừa tinh thần của Quốc tế cộng sản.
Năm 1921, Hồ Chí Minh khi ấy đang hoạt động ở Pháp đã cùng một số nhà cách mạng của Angiêri, Tuynidi, Marốc, Mađagaxca… thành lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Hội đã ra báo Người cùng khổ, rồi bí mật chuyển về các thuộc địa. Qua đó truyền bá chủ nghĩa Mác và các tư tưởng của Hội. Các nghiên cứu cho thấy Hồ Chí Minh là người hoạt động tích cực, sôi nổi nhất của Hội.
Tiếp đó, năm 1927, Hồ Chí Minh lại thành lập Hội liên hiệp các dân tộc bị áp bức á đông tại Trung Quốc.
Ngoài ra, trong thời kỳ hoạt động ở Pháp, ở Anh, ở Liên Xô, Trung Quốc… Hồ Chí Minh cũng thường đi sâu vào phong trào công nhân, thợ thuyền của các địa phương đó. Chính hoạt động thực tiễn đã giúp cho Hồ Chí Minh có được sự cảm thông, và Ngừơi dễ dàng tiếp nhận và hưởng ứng tinh thần của Quốc tế cộng sản “Vô sản toàn thế giới liên hiệp lại”.
“Vô sản toàn  thế giới liên hiệp lại”, đó là câu đề dẫn cho bản in Tuyên ngôn của Đảng cộng sản do Các Mác và Ăngghen soạn thảo năm 1848. Cùng với sự phát triển của phong trào cách mạng quốc tế, nội hàm của lời kêu gọi ấy được bổ sung: “Vô sản và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới liên hiệp lại”.
Trong quá trình soạn thảo Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng năm 1930 cũng như suốt quãng thời gian lãnh đạo về sau, Hồ Chí Minh đều khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới, và Người yêu cầu phải đoàn kết chắt chẽ cùng vô sản thế giới, nhất là vô sản Pháp.
Sự kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại theo tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành nguồn lực to lớn tạo nên những thắng lợi thần kỳ của quân và dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
III – Giai đoạn từ 1920 đến 1930 đã hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản và cán bộ cách mạng
Cách mạng muốn thành công trước hết phải có đảng cách mạng lãnh đạo, vận động và tổ chức quần chúng đấu tranh. Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy đúng hướng, tới đích. Đảng phải có lý luận làm cốt.
Đồng thời, Đảng muốn mạnh thì phải có người cán bộ cách mệnh mạnh. Vì vậy, Hồ Chí Minh rất chú trọng đến tiêu chuẩn của Người cán bộ cách mạng.
Năm 1925, Hồ Chí Minh sáng lập “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội” với tôn chỉ “trước làm cách mạng quốc gia, sau làm cách mạng quốc tế”. Cùng với đó, Người mở các lớp huấn luyện tại Quảng Châu – Trung Quốc để đào tạo cán bộ. Các bài giảng của Người được tập hợp và in thành cuốn “Đường kách mệnh” năm 1927. Đó là những bước chuẩn bị của Hồ Chí Minh cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam, cũng là quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản và tư tưởng Hồ Chí Minh về người cán bộ cách mạng.
* Bằng những nghiên cứu lý luận và tổng kết hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đã chỉ ra:
Đảng cộng sản là nhân tố quyết định hàng đầu đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi. Người viết: “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc thắng lợi” (Hồ Chí Minh toàn tập – tập 9, trang 290). Trong Đường kách mệnh, Người viết: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức quần chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp ở mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”. Hồ Chí Minh cho rằng: “Muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng.
Cách mạng là cuộc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ địch rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần chúng phải tổ chức rất chặt chẽ, chí khí phải kiên quyết. Vì vậy phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh, để đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền.
Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo”.
Đảng cộng sản Việt Nam là sản phẩm của Chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Điều đó lý giải vì sao năm 1925 Hồ Chí Minh chỉ thành lập Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội mà không thành lập ngay đảng cộng sản vì khi đó 3 nhân tố cho sự ra đời của Đảng cộng sản chưa chin muồi: Chủ nghĩa Mác – Lênin chưa được truyền bá sâu rộng trong nước, phong trào công nhân đang phát triển tự phát mà chưa chuyển sang tự giác, phong trào yêu nước thì manh mún, chia rẽ thành nhiều khuynh hướng khác nhau. Thông qua VN TNCMĐCH, Hồ Chí Minh đã chuẩn bị mọi mặt để thành lập Đảng.
Đây cũng là một bước phát triển mới trong Tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong khi Lênin, bằng sự quan sát thực tiễn cách mạng châu Âu, cho rằng Đảng ra đời kết hợp bởi chủ nghĩa Mác và phong trào công nhân thì Hồ Chí Minh, với sự hiểu biết đất nước mình – một xã hôị thuộc địa cho rằng cần cộng thêm vào đó cả phong trào yêu nước. Và Đảng cộng sản Việt Nam thực sự “là đảng của dân tộc”.
Hồ Chí Minh khẳng định rằng: Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân, đội tiên phong của giai cấp công nhân, mang bản chất giai cấp công nhân. Trong Sách lược vắn tắt, Hồ Chí Minh viết: “Đảng ta là đội tiên phong của vô sản giai cấp”. Trong Chương trình vắn tắt của Đảng Người viết: Đảng là “đội tiên phong của đạo quân vô sản”. Đảng tập hợp vào hàng ngũ của mình những người “tin theo chủ nghĩa cộng sản, chương trình Đảng và Quốc tế cộng sản, hăng hái tranh đấu và dám hy sinh phục tùng mệnh lệnh Đảng và đóng kinh phí, chịu phấn đấu trong một bộ phận Đảng”. Hồ Chí Minh khẳng định rõ mục đích của Đảng là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”. “Đảng liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới”.
Để đạt mục tiêu cách mạng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Đảng cộng sản Việt Nam phải lấy Chủ nghĩa Mác – Lênin “làm cốt”, phải dựa vào lý luận cách mạng và khoa học của Chủ nghĩa Mác Lênin. Khi huấn luyện cho cán bộ cách mạng năm 1925 – 1927, Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng muốn vững phải có Chủ nghĩa làm cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu  không có kim chỉ nam” và Người khẳng định “Chủ nghĩa” ấy là chủ nghĩa Mác Lênin. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng chủ nghĩa Mác Lênin, chính chủ nghĩa Mác Lênin là nguồn gốc cơ bản nhất hình thành tư tưởng của Người. Theo Hồ Chí Minh, chủ nghĩa Mác Lênin thực sự là “mặt trời soi sáng” cho con đường cách mạng Việt Nam, là “cái cẩm nang thần kỳ” để giải quyết cá công việc cho đúng đắn… Hồ Chí Minh đã ví chủ nghĩa Mác – Lênin như trí không của con người, như bàn chỉ nam định hướng cho con tàu đi là nói lên vai trò cực kỳ quan trọng của lý luận ấy trong tất cả các thời kỳ cách mạng. Với ý nghĩa đó, theo Hồ Chí Minh, Chủ nghĩa Mác Lênin trở thành “cốt”, trở thành nền tảng tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng.
IV – Ngoài ra, thời kỳ 1920 đến 1930, Hồ Chí Minh cũng tiếp tục phát triển tư tưởng yêu nước mở rộng mối hiểu biết về văn hoá, thế giới
1. Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển tư tưởng yêu nước tập trung vào hai mảng chính:
Một là: tố cáo chế độ thực dân Pháp.Trong thời kỳ 1920 đến 1930, Hồ Chí Minh đã viết nhiều bài đăng các báo Người cùng khổ của Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa, Nhân đạo của Đảng cộng sản Pháp, Đời sống công nhân của Tổng liên đoàn lao động Pháp… qua đó Người vạch trần những âm mưu thâm độc của chủ nghĩa thực dân, tố cáo những tội ác mà thực dân Pháp đã thực hiện ở Đông Dương.
Đặc biệt, năm 1927, Người xuất bản “Bản án chế độ thực dân Pháp” là một lời buộc tội  rất mạnh mẽ. Người đưa ra luận điểm nổi tiếng: Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có hai vòi, “một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa”. Vậy nên, “nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi. Nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi, thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản, con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”. Từ đó Người vạch rõ chủ nghĩa thực dân không chỉ là kẻ thù của các dân tộc bị áp bức, mà đồng thời là kẻ thù của giai cấp công nhân và nhân dân lao động chính quốc.
Hai là: tố cáo sự thối nát, mục rỗng, ăn hại của chính quyền nhà Nguyễn. Thời kỳ này, Người đã viết những tác phẩm văn học hết sức lý thú như: Vi hành, Con người biết mùi hun khói, Những lời than vãn của bà Trưng Trắc…
Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn nêu lên nỗi thống khổ của nhân dân, đi vào nhân dân, cùng sống và vận động nhân dân. Tiêu biểu là thời kỳ ở Thái Lan.
2. Thời kỳ 1920 đến 1930, Hồ Chí Minh cũng tăng cương sự hiểu biết về văn hoá chính trị thế giới thông qua các chuyến du lịch các nước. Và Người cũng chăm chỉ rèn luyện ngoại ngữ nên đã sử dụng được nhiều thứ tiếng nói. Đó là những chìa khóa quý báu để bước vào kho tàng tri thức nhân loại.
Những hiểu biết sâu sắc và rộng lớn trên nhiều lĩnh vực là cơ sở giúp Hồ Chí Minh có những nhận định đúng đắn về phong trào cách mạng và phát triển những luận điểm tư tưởng của mình.
V – Những nội dung tư tưởng mà Người vận dụng sang tạo và phát triển CN Mác – Lênin trong thời kỳ này
Nghiên cứu quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh giai đoạn 1920 – 1930 không thể không chỉ ra những luận điểm mà Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác Lênin, bởi đó những luận điếm sáng tạo đó không chỉ có ý nghĩa quan trọng đối với Hồ Chí Minh mà nó còn có ý nghĩa sống còn với cách mạng Việt Nam.
Những luận điểm mà Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo và phát triển trong thời kỳ này gồm có: tư tưởng về mối quan hệ cách mạng thuộc địa và cách mạng chính quốc, mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và dân chủ, quan điểm về tập hợp lực lượng cách mạng, và việc vận dụng phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác – Lênin.
1. Hồ Chí Minh đã nêu luận điểm đặc biệt sáng tạo: cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc và tác động trở lại thúc đẩy cách mạng chính quốc. Nhân dân Việt nam hoàn toàn có thể chủ động đứng lên, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”. Không ỷ lại chờ đợi cách mạng chính quốc.
Hồ Chí Minh tin theo Lênin, tin theo Quốc tế III nhưng vốn là người dân thuộc địa và là người cộng sản lăn lộn tỏng phong trào thuộc địa va nghiên cứu sâu sắc chủ nghĩa thực dân, Người đã đề ra những luận điểm về tính chủ động, tích cực của cách mạng giải phóng dân tộc, của nhân dân các nước thuộc địa, bổ sung vào những luận điểm chung lúc bấy giờ.
Theo Hồ Chí Minh, cách mạng giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc  vào cách mạng vô sản chính quốc. Nhân dân các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc có thể “chủ động đứng lên, đem sức ta mà giải phóng cho ta”, giành thắng lợi trước cách mạng vô sản chính quốc.
Trong Tuyên ngôn của Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa (1921), Người viết: Công cuộc giải phóng an hem chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực của bản thân an hem”. Đến Đường kách mệnh (1927), Người lại chỉ rõ “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”, và Người dự báo: Việt Nam dân tộc cách mạng thành công thì tư bản Pháp yếu, tư bản Pháp yếu thì công nông Pháp làm giai cấp cách mạng càng dễ”. Luận điểm sáng tạo này của Hồ Chí Minh mang tính cách mạng và khoa học đúng đắn đã được Người khảo sát, chứng minh.
2. Hồ Chí Minh đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam.
Theo Người, đối với Việt Nam không giải quyết vấn đề giai cấp rồi mới giải quyết được vấn đề dân tộc như ở các nước tư bản phát triển phương Tây. Mà ngược lại, chỉ có giải phóng được dân tộc mới giải phóng được giai cấp, giai phóng dân tộc đã bao hàm một phần giải phóng giai cấp và tạo tiền đề cho giải phóng giai cấp.
Ở Việt Nam, cùng với sự tồn tại của mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp trong nội bộ dân tộc, nổi lên mâu thuẫn dân tộc và đấu tranh dân tộc giữa toàn thể dân tộc với chủ nghĩa thực dân đế quốc và bè lũ tay sai. Do đó, theo Người: Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước và đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng liên minh của giai cấp công nhân với nông dân trí thức là một chiên lược cách mạng, là lực lượng to lớn của cách mạng Việt Nam.
“Chủ nghĩa dân tộc” theo Hồ Chí Minh, hoàn toàn không phải là thứ chủ nghĩa dân tộc phong kiến, tư sản hay của Quốc tế II, mà là chủ nghĩa dân tộc chân chính theo lập trường chủ nghĩa Mác Lênin gắn dân tộc với quốc tế, dân tộc với giải phóng giai cấp, hướng tới triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.
3. Từ chỗ xác định đúng đắn mối quan hệ dân tộc – dân chủ  nên Hồ Chí Minh đã đề ra phương pháp tập hợp lực lượng đúng đắn. Đó là luận điểm tư tưởng được xây dựng trên tinh thần “đại đoàn kết” của Hồ Chí Minh.
4. Hồ Chí Minh một mặt khẳng định tính chân thực của Chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng mặt khác trong khi tìm hiểu và vận dụng những nguyên lý của Chủ nghĩa Mác – Lênin vào thực tiễn xã hội Việt Nam và các dân tộc phương Đông, Người đã sớm phát hiện ở phương Đông có những đặc điểm khác với các nước phương Tây mà thời Mác chưa có điều kiện nghiên cứu. Hồ Chí Minh đã bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin bằng những luận điểm mới rất quan trọng.
Trong Báo cáo về Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ gửi Quốc tế Cộng sản năm 1924, Người viết: “Cuộc đấu tranh giai cấp ở phương Đông không giống như ở phương Tây”… Dù sao thì cũng không thể cấm bổ sung “cơ sở lịch sử” của chủ nghĩa Mác bằng cách đưa thêm vào đó những tư liệu mà thời Mác không thể có được.
“Mác đã xây dựng học thuyết cảu mình trên một triết lý nhất định của lịch sử, nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu âu. Mà châu âu là gì? Đó chưa phải là toàn thể nhân loại…” Xem xét lại chủ nghĩa Mác và cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằn dân tộc học phương Đông, đó là điều cần làm.
Từ phương pháp tiếp cận đúng đắn, mạnh dạn, khoa học trong kế thừa và phát triển học thuyết Mác – Lênin, đồng thời bám sát đặc điểm của thực tiễn Việt Nam và thế giới, Hồ Chí Minh đã có những luận điểm sáng tạo góp phần làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác – Lênin, nhất là những vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ dân chủ mới và con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội ở một nước phương Đông, thuộc địa nửa phong kiến, kinh tế lạc hậu…
Đó là những nét đóng góp cực kỳ quan trọng của Hồ Chí Minh trong thời kỳ này.
KẾT LUẬN CHUNG
Tóm lại, với 10 năm hoạt động sôi nổi, từ năm 1920 đến 1930, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào vô sản trên thế giới, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc trong nước, Hồ Chí Minh đã hoạt động rất tích cực, sôi nổi. Được sự giúp đỡ nhiệt tình của các đồng chí, bạn bè, Người đã nhận thức và hiểu được các quy luật vận động và phát triển của phong trào cách mạng trong nước và thế giới, từ đó Người tiếp cận với ánh sáng Chủ nghĩa Mác – Lênin, sáng lập nên Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Người đi từ người yêu nước chân chính đến người cộng sản. Trong quá trình ấy, các tư tưởng cơ bản về cách mạng Việt Nam của Hồ Chí Minh hình thành và phát triển. Những tư tưởng ấy được chính Người vận dụng và rèn rũa, trong đó có rất nhiều điểm sáng tạo với Chủ nghĩa Mác Lênin. Và ngày nay, sau gần một thế kỷ, những tư tưởng ấy vẫn sáng chói và soi đường cho chúng ta bước tiếp. Tuy nhiên, sự phát triển biện chứng của chủ nghĩa Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu làm rõ đồng thời bổ sung phát triển thêm những nội dung tư tưởng mới nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang thay đổi từng ngày từng giờ./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.     Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh/Bộ Giáo dục và đào tạo. Nxb Chính trị Quốc gia, 2005
2. CD – Rom Hồ Chí Minh toàn tập
3.     Hồ Chí Minh tiểu sử/Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Nxb Lý luận chính trị, 2006
4.     Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử (tập1+ 2)/Viện Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị Quốc gia, 2007
5.     Hồ Chí Minh nhà tư tưởng lỗi lạc/GS.Song Thành. Nxb Lý luận chính trị, 2005
6.     Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch/Trần Dân Tiên. Nxb Trẻ, 2005
7.     Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam/Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ biên. Nxb Chính trị Quốc gia, 1997
Read more…

Tư tưởng Hồ Chí Minh về một nhà nước kiểu mới

2:33 AM |


TS. TRẦN NAM CHUÂN – Viện chiến lược, Bộ Quốc phòng
Một trong những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng một nhà nước kiểu mới – nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đây là tư tưởng độc đáo, sáng tạo của Bác Hồ và của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đã được minh chứng và kiểm nghiệm trong lịch sử đấu tranh giành chính quyền và xây dựng chính quyền nhà nước dân chủ nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà nước kiểu mới – nhà nước pháp quyền phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân; đó là tư tưởng, ý chí nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người yêu nước, thương dân nồng nàn tha thiết. Người đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin bằng niềm tin mãnh liệt: “Bây giờ học thuyết nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất là chủ nghĩa Lê-nin” và con đường duy nhất mang lại độc lập cho dân tộc, tự do cho đồng bào là con đường cách mạng vô sản, dùng bạo lực cách mạng để giành chính quyền về tay nhân dân. Chính quyền là vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng như V.I.Lê-nin đã chỉ rõ: “Cùng với việc tổ chức xây dựng Đảng cách mạng thì trong cuộc đấu tranh này, trước hết phải có Đảng cách mệnh”(1), “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nền tảng tư tưởng cho đường lối chiến lược, sách lược và phương pháp cách mạng. Trong đó tư tưởng của Người về vấn đề chính quyền nhà nước hình thành khá sớm và rõ nét. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong xây dựng nhà nước kiểu mới, trước hết bắt nguồn từ đường lối cách mạng của Đảng. Một mặt, Người khẳng định bản chất giai cấp công nhân của nhà nước, mặt khác Người cũng khẳng định sự thống nhất giữa bản chất giai cấp công nhân, tính chất nhân dân và dân tộc của nhà nước pháp quyền vì nó là đại diện cho toàn thể nhân dân và toàn dân tộc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước pháp quyền, nhà nước kiểu mới của dân, do dân và vì dân là một hệ thống quan điểm tư tưởng trên nhiều lĩnh vực và nhiều tổ chức trong bộ máy nhà nước, gắn liền với hoạt động thực tiễn không mệt mỏi của Người về xây dựng bộ máy nhà nước.

Năm tháng sẽ qua đi, song tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng một nhà nước kiểu mới và một đảng cầm quyền vẫn còn giữ nguyên giá trị, có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc và lâu dài. Hiện nay, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, trước sự thoái hoá, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước âm mưu chống phá của kẻ thù nhằm chia rẽ Đảng với dân, với Nhà nước hòng làm biến chất nhà nước, tiến tới thủ tiêu và xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng trên đất nước ta, chúng ta cần tiếp tục học tập, tìm hiểu thêm tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề nhà nước kiểu mới, nhất là việc vận dụng vào thực hiện các nghị quyết của Đảng về xây dựng nhà nước pháp quyền, thực sự là nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Nhà nước ta được thành lập sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Việt Nam và ở Đông Nam Châu Á, dựa trên nền tảng công nông do giai cấp công nhân lãnh đạo. Bản Hiến pháp năm 1946 ở nước ta ra đời là mốc son quan trọng đánh dấu quá trình bắt đầu xây dựng một nhà nước pháp quyền. Đó là nhà nước của dân, do dân và vì dân, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “dân là chủ, Chính phủ là đầy tớ”(3). Đây là một trong những vấn đề hết sức căn bản trong xây dựng nhà nước kiểu mới, phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước và công dân của nhà nước kiểu mới mà Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức coi trọng xây dựng. Trong thư gửi Uỷ ban hành chính các bộ, huyện, làng xã ngày 17/10/1954, Người viết: “Cơ quan Chính phủ từ toàn quốc đến các làng là đầy tớ của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung chứ không phải đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật”(4).

“Dân là chủ thì Chính phủ là đầy tớ, nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ đi”(5). Mối quan hệ giữa nhà nước với công dân được thể hiện cụ thể trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ. Nhà nước có nghĩa vụ với công dân đồng thời có những quyền theo quy định của pháp luật để thực thi công quyền mà nhân dân giao phó; ngược lại công dân vừa có quyền, đồng thời có nghĩa vụ công dân đối với nhà nước. Người viết: “nhưng khi dân dùng đầy tớ để bảo vệ cho mình thì phải giúp đỡ, nếu Chính phủ sai thì phải phê bình, phê bình không có nghĩa là chửi”(6). Trên tinh thần đó, Hiến pháp năm 1992 của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có những quy định rất cụ thể về quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, đồng thời cũng dành toàn bộ Chương V với 34 điều (từ Điều 49 đến Điều 82) quy định quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Đối với cán bộ, đảng viên, nhân viên nhà nước, Người gọi đó là “công bộc”(7) của dân, cách gọi ấy thật là dân dã mà sâu sắc. Trong buổi đầu thành lập chính quyền, khi thuyết phục cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tâm sự với cụ Huỳnh Thúc Kháng: “… Khi xưa làm quan là hưởng đỉnh chung, bây giờ chúng ta làm việc cho dân, cho nước gọi là công bộc”(8). Khi Quốc hội tín nhiệm bầu Người làm Chủ tịch nước – người đứng đầu Chính phủ, Người trả lời các nhà báo: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào. Bây giờ gánh vác chức Chủ tịch là vì đồng bào uỷ thác thì tôi phải gắng làm, cũng như một người lính vâng lệnh quốc dân ra trước mặt trận”(9). Người căm ghét thói cậy quyền, cậy thế, chia rẽ, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí, quan liêu, móc ngoặc, tham nhũng… vì nó “là kẻ thù của nhân dân, của dân tộc, của Chính phủ. Nó là kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm súng, nó nằm trong tổ chức của ta, nó là giặc nội xâm để làm hỏng công việc của ta”(10).

Người dạy: “Cơm của chúng ta ăn, áo của chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền ơn xứng đáng cho nhân dân. Chớ vác mặt làm quan cách mạng để dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”(11). Điều đó không những khẳng định: Hồ Chí Minh là nhà lập pháp mà còn chứng tỏ Người rất coi trọng xây dựng hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý cho mọi hoạt động của nhà nước ta trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất cương quyết với những hành vi vi phạm pháp luật và trừng trị nghiêm khắc những kẻ phạm tội, dù người đó ở cương vị nào. Trong trả lời chất vấn của Quốc hội vào năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chính phủ hết sức làm gương, nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ hối lộ, đã trừng trị, đang trừng trị và sẽ trừng trị cho kỳ hết”(12). Hồ Chủ tịch đã bác đơn xin ân xá giảm án tử hình của nhiều kẻ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, dù đó là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước; Người cho rằng: “Không dùng xử phạt cũng là không đúng, song việc gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”(13).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có luật pháp cũng chưa đủ, điều quan trọng là pháp luật của nhà nước phải đi vào cuộc sống, phải trở thành hoạt động tự giác của mỗi người trong xã hội, vì: công bố luật chưa phải đã là xong, phải tuyên truyền, giáo dục lâu dài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng, ban hành, thực thi pháp luật trong hoạt động của bộ máy nhà nước, đồng thời Người không bao giờ xem nhẹ các hình thức, biện pháp khác, nhất là trong vận động tổ chức quần chúng, trong việc tuyên truyền giáo dục, việc nêu gương trước quần chúng của đội ngũ cán bộ đảng viên, đặc biệt là việc giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc và đạo đức cách mạng, bởi tác dụng lớn lao của nó đối với hoạt động quản lý của nhà nước và thực hiện quyền dân chủ của công dân. Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về chấp hành pháp luật, về đạo đức, phong cách mà chúng ta mãi mãi học tập, noi theo.

Về vấn đề đảng cầm quyền và lãnh đạo nhà nước kiểu mới, ngay từ năm 1925 trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” khi đề cập đến mô hình nhà nước trong tương lai và nhiệm vụ của nó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đảng Cộng sản cầm quyền, tổ chức ra Chính phủ công – nông – binh, phát đất cho dân cày, giao công xưởng cho thợ thuyền… ra sức tổ chức kinh tế mới để thực hành thế giới đại đồng”(14). Đến trước khi vĩnh biệt đồng bào, đồng chí, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thực sự cần kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(15).

Như vậy, tư tưởng về Đảng cầm quyền, Đảng lãnh đạo chính quyền là tư tưởng nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng khi đất nước chưa giành được chính quyền cũng như khi có chính quyền dân chủ nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở các tổ chức đảng và đảng viên: Đảng cầm quyền chứ không phải đảng trị, mọi cán bộ đảng viên của Đảng phải biết tôn trọng nhà nước dân chủ nhân dân, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật của nhà nước.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước đã được thể chế hoá trong Hiến pháp – Đạo luật cơ bản của Nhà nước ta. Điều 4, Hiến pháp năm 1992 viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành cho quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”. Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4/2006) cũng đánh giá những thành tựu rất quan trọng đạt được trong đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Qua 78 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta ngày càng tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm; nhận thức ngày càng sáng tỏ hơn, sâu sắc hơn về một đảng cầm quyền và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta; giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, trung thành với giai cấp và dân tộc, kiên định trước mọi thách thức, vững vàng lãnh đạo sự nghiệp cách mạng nước ta. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng đã không ngừng đổi mới và hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, tích cực, chủ động sáng tạo của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân. Đảng không làm thay các cơ quan nhà nước, bảo đảm hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Song điều quan trọng có ý nghĩa quyết định đến sự lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước và xã hội là ở chỗ: ngoài lợi ích của dân tộc và giai cấp, Đảng không có lợi ích nào khác, là sự hy sinh phấn đấu của Đảng suốt hành trình 78 năm qua vì mục tiêu độc lập dân tộc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, được nhân dân và toàn dân tộc thừa nhận. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, cùng với tiến trình phát triển của cách mạng, nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước pháp quyền ngày càng phát triển, được cụ thể hoá trong nhiều Nghị quyết của Đảng, trong các hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với nhà nước.

Đương nhiên, như Đảng ta khẳng định, để không ngừng nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước trong tình hình mới, Đảng cũng không ngừng tự chỉnh đốn và đổi mới cho ngang tầm với yêu cầu lãnh đạo của thời kỳ mới – thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra./.

Ghi chú:
Từ (1) đến (14) Hồ Chí Minh toàn tập (1995), tập 4, 5, 6, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, Tr.247, 346, Tr 201- 410, Tr.161, 162.
(15) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969).

TẠP CHÍ TỔ CHỨC NHÀ NƯỚC SỐ THÁNG 12/2008
Read more…

Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Vécxây

2:30 AM |

Tháng 6 năm 1919, nghe tin các đoàn đại biểu mười mấy nước Đồng minh chiến thắng họp ở Vécxây cách thủ đô Pari 14 km, Nguyễn Tất Thành bàn với nhà yêu nước Phan Châu Trinh và luật sư, tiến sĩ Phan Văn Trường viết bản ”Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi Hội nghị Vécxây.
Nhà yêu nước họ Phan trịnh trọng nói:
– Bảy điều yêu sách mà anh Thành nêu ra, theo tôi thật là xác đáng và đúng như bọn mình thường trao đổi với nhau. Chú Trường xem có nên thêm điều gì không?
– Tôi thấy thế là tốt… Thử xem còn vấn đề gì về quyền của nhân dân ta cần đòi…- Văn Trường nói và gõ nhẹ vào trán mình theo thói quen của ông khi cần suy tính một điều gì.
– Thưa hai bác – Tất Thành lên tiếng – Hôm trước cháu phác thảo ra 7 điều yêu sách đưa hai bác xem, nhưng đêm hôm qua cháu mới nảy thêm một ý. Cháu thấy rằng ở Đông Dương, bọn quan lại chỉ dựa vào các sắc lệnh của tên toàn quyền để cai trị dân ta mà không hề có luật. Cháu muốn đưa thêm một điều yêu sách nữa: “Thay thế chế độ sắc lệnh bằng chế độ luật pháp”.
– Đúng! Đúng. Luật sư họ Phan sôi nổi hưởng ứng. Muốn cho dân ta có tự do thì phải đòi họ cai trị theo luật pháp!
Tôi cũng tán đồng! Phan Châu Trinh nói như kết luận buổi gặp mặt. Bây giờ ta làm thế nào để chuyển bản Yêu sách tới Hội nghị Vécxây đây?
Tất Thành:
– Thưa bác, cháu nghĩ rằng phải nhờ bác Phan Văn Trường viết ngay ra bằng tiếng Pháp thì mới kịp.
Hai ngày sau, Nguyễn Tất Thành đã ngồi bên luật sư Phan Văn Trường, trước bản ”Yêu sách của nhân dân An Nam” vừa thảo xong bằng tiếng Pháp.
– Chúng ta sẽ đứng tên dưới bản yêu sách này như thế nào đây? Bác đứng tên nhé. Nguyễn Tất Thành nêu ý kiến.
– Không! Phan Văn Trường đáp – bản Yêu sách này tuy là tôi chấp bút viết ra bằng tiếng Pháp. Nhưng tôi phải viết chỉ vì anh chưa thông thạo Pháp văn mà thôi, chứ sáng kiến lớn lao này là của anh, và hầu hết ý kiến nêu ra trong bản Yêu sách cũng là của anh.
– Thưa bác, sáng kiến của cháu cũng chỉ là phản ánh nguyện vọng chung của những người yêu nước chứ có phải của riêng cháu đâu. Bác là một nhân vật có danh tiếng, bà con Việt kiều trên đất Pháp đều biết bác là một luật sư yêu nước dám bênh vực công lý, che chở cho bà con. Bác đứng tên cho bản yêu sách này thì giá trị của nó càng cao, ảnh hưởng của nó càng rộng.

– Không! Không thể được! Tôi tuy có chút danh vọng hơn anh ngày nay, nhưng cái tâm, cái chí của anh còn lớn hơn tôi nhiều. Vả lại về nguyên tắc, người trí thức không được phép lấy công người khác làm công của mình: “Cái gì của Xêda thì phải trả lại cho Xêda”.

Đó mới là lẽ phải. Chẳng những tôi không thể đứng tên, mà bác Hy Mã Phan Châu Trinh cũng không nên đứng tên.

Cuộc trao đổi giữa hai nhà yêu nước đi tới kết luận: dùng một cái tên gì tiêu biểu cho nguyện vọng chung của nhân dân, nhưng phải là tên một cá nhân thì tính chất pháp nhân của văn bản mới có giá trị. Cuối cùng anh Nguyễn quyết định tự mình đứng mũi chịu sào với cái tên chung cho tấm lòng của mọi người. Anh ký:

Thay mặt nhóm những người yêu nước An Nam
NGUYỄN ÁI QUỐC

Ngay buổi chiều hôm ấy, sau khi bản Yêu sách được gửi đi, anh Nguyễn rời khỏi nhà số 6 đường Vila đê Gôbơlanh, nơi anh vẫn ở với luật sư Phan Văn Trường. Anh sống bí mật, đề phòng sự truy lùng ráo riết của bọn mật thám Bộ Thuộc địa Pháp.

Vào buổi sáng sớm có người đến bấm chuông căn nhà số 6 phố Đôbinhi. Đây là nhà của Giuyn Cămbông, đại sứ cũ của Pháp ở Đức, hiện là thành viên của đoàn đại biểu Pháp đi dự Hội nghị Vécxây. Giơnơvievơ Tabui, cô cháu gái trẻ của Cămbông ra mở cửa. Sau này cô là một nhà báo nổi tiếng, nhưng lúc bấy giờ cô là thư ký của cậu cô. Người bấm chuông là một thanh niên châu Á, mảnh khảnh, có khuôn mặt cởi mở, dễ mến, đôi mắt to, sáng long lanh. Anh lịch sự chào cô và nói bằng thứ tiếng Pháp không sõi:

– Tôi muốn trao cho ngài đại sứ Cămbông một văn kiện.

Giơnơvievơ mời khách đến sớm vào nhà rồi ra hiệu cho khách ngồi xuống cạnh chiếc bàn dài chạm trổ theo kiểu đế chế. Chiếc bàn này hiện nay vẫn kê trong phòng khách gia đình Tabui. Cô gái hỏi người thanh niên là ai?

– Thưa cô, tôi là Nguyễn Ái Quốc, tôi muốn gặp ngài Cămbông.

Chàng thanh niên lấy ra một cuốn giấy buộc bằng dây mảnh. Anh mở ra và trao cho cô gái.

– Tôi đến đây để trao cho ngài đại sứ “bản trần tình” của nhân dân Đông Dương.

Có thể thấy ngay là những tờ giấy trong cuộn giấy viết bằng một thứ chữ rất đẹp. Tờ đầu tiên là bức thư gửi cho chủ nhà:

”Thưa ngài đại sứ Cămbông, đại điện toàn quyền của nước Pháp tại Hội nghị Vécxây. Tôi là người đại diện cho nhân dân Đông Dương. Chúng tôi là một dân tộc chậm phát triển, chúng tôi đã được biết thế nào là nền văn minh của nước Ngài …”.

Tài liệu mà người thanh niên châu Á mang đến có tên là “Bản Yêu cách của nhân dân An Nam”. Bản Yêu sách viết:

“Trong khi chờ cho nguyên tắc dân tộc sẽ từ lĩnh vực lý tưởng chuyển vào lĩnh vực hiện thực do chỗ quyền tự quyết thiêng liêng của các dân tộc được thừa nhận thật sự, nhân dân nước An Nam trước kia, nay là xứ Đông – Pháp, xin trình với các quý Chính phủ trong Đồng minh nói chung và với Chính phủ Pháp đáng kính nói riêng, những yêu sách khiêm tốn sau đây:

1. Tổng ân xá cho tất cả những người bản xứ bị án tù chính trị;
2. Cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu châu; xóa bỏ hoàn toàn các toà án đặc biệt dùng làm công cụ để khủng bố và áp bức bộ phận trung thực nhất trong nhân dân An Nam;
3. Tự do báo chí và tự do ngôn luận;
4. Tự do lập hội và hội họp;
5 Tự do cư trú ở nước ngoài và tự do xuất dương;
6. Tự do học tập, thành lập các trường kỹ thuật và chuyên nghiệp ở tất cả các tỉnh cho người bản xứ;
7 Thay thế chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;
8. Đoàn đại biểu thường trực của nguời bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được những nguyện vọng của người bản xứ.

Vài ngày sau, các đoàn đại biểu khác tham gia Hội nghị và nhiều nghị sĩ Pháp cũng nhận được bản yêu sách tương tự như vậy. Kèm theo bản yêu sách có bức thư ngắn:

“Thưa ngài! Nhân dịp chiến thắng của Đồng minh, chúng tôi xin mạn phép gửi để Ngài kèm theo đây bản ghi những yêu sách của nhân dân An Nam. Tin tưởng ở sự độ lượng cao cả của Ngài, chúng tôi mong Ngài ủng hộ bản yêu sách này trước những người có thẩm quyền.
Thay mặt nhóm những người An Nam yêu nước: Nguyễn Ái Quốc”.

Người ta nhiều lần bắt gặp người thanh niên Việt Nam kiên trì này với tập giấy tờ cặp dưới nách tại các hành lang ồn ào, mù mịt khói thuốc của các ban biên tập báo ở Pari, trong các gian phòng chật chội do các công đoàn và đảng Xã hội thuê để tổ chức các cuộc họp và mít tinh.

Lui Ácnu, Trưởng ban Đông Dương của Sở Mật thám Pháp, sau này là Chánh mật thám Pháp ở Đông Dương, nhún vai khi nghe báo cáo về hành động của một người nào đó tên là Nguyễn Ái Quốc và về nội dung một ”tài 1iệu chống Pháp” đang được người đó phân phát khắp nơi. Do nghề nghiệp đòi hỏi, Ácnu hầu như biết rất rõ mọi người An Nam khả nghi sống ở Pari, được báo cáo tỉ mỉ về bước đi của “những kẻ chủ mưu gây bất an” từ Đông Dương sang. Một trong những người đó là Phan Châu Trinh, mở một hiệu ảnh và thực tế đã ngừng hoạt động chính trị. Vả lại, hành động “khiêu khích” như vậy vốn không phải là Phan Châu Trinh, vì ông lúc nào cũng có thái độ kính nể nước Pháp. Một người khác là luật sư Phan Văn Trường, cũng sống ở Pari, được coi là nhà mácxít, nhưng chỉ là người dịch sách báo chính trị ra tiếng Việt và không bao giờ tham gia làm những việc như vậy. Chỉ còn một người duy nhất trong số những nhân vật quen biết cũ của Sở Mật thám dám cả gan làm việc này là Phan Bội Châu. Nhưng Ácnu biết chắc chắn Phan Bội Châu đang ở một nơi nào đó tại miền Nam Trung Quốc, hơn nữa, mới đây ông ta có cho đăng một bài báo, lời lẽ rất ôn hoà có lợi cho chủ trương hợp tác Pháp – Việt.

Vào lúc đó, cả Ácnu – kẻ có con mắt cú vọ, nhòm ngó khắp nơi, thậm chí cả những người bạn gần gũi của người yêu nước trẻ tuổi đã cả gan cất lên tiếng nói bảo vệ nhân dân bị áp bức của mình ngay giữa trái tim của bọn đế quốc Pháp cũng không biết được và cũng không thể ngờ rằng, Nguyễn Ái Quốc – tác giả bản Yêu sách, anh Văn Ba – người phụ bếp trên tàu biển, cậu bé ham hiểu biết Nguyễn Tất Thành – người con trai quan Phó bảng duy nhất ở làng Sen, cũng chỉ là một người mà thôi./.
(Trích trong Kể chuyện Bác Hồ, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006)
Read more…

Nghị quyết của UNESCO về Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1987)

2:28 AM |


Ghi chép của  Đại Hội Đồng
Kỳ họp thứ 24, Paris,
20 Tháng Mười đến 20 Tháng Mười Một 1987
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc UNESCO
Nghị quyết 18.65 được thông qua bởi Đại Hội Đồng tại kì họp lần thứ 24.
18.65 Kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Đại Hội Đồng
Căn cứ Việc tổ chức lễ kỉ niệm quốc tế của những danh nhân có văn hóa và trí tuệ kiệt xuất góp phần thực hiện mục tiêu của UNESCO và sự hiểu biết chung toàn thế giới,
Căn cứ Nghị quyết 4.351 kì họp thứ 18 của Đại Hội Đồng liên quan tới các hoạt động kỉ niệm ngày sinh của những nhân cách lớn và sự kiện để lại dấu ấn trên sự phát triển của loài người.
Chú ý rằng: năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam và Danh nhân văn hóa thế giới (note: có thể dịch là ‘nhà văn hoá lớn’ hoặc ‘nhà văn hoá kiệt xuất’)
Xem xét đến: Chủ tịch Hồ Chí Minh là một hiện tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ,
Xem xét đến: Những đóng góp quan trọng và nhiều chiều của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, giáo dục và nghệ thuật kết tinh tinh hoa văn hóa dân tộc Việt Nam trải dài mấy nghìn năm lịch sử, và Tư tưởng của Hồ Chí Minh tiêu biểu cho nguyện vọng của các dân tộc khẳng định nền văn hóa thống nhất của họ và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau,
1.Khuyến nghị các nước thành viên tham gia vào các hoạt động kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng cách tổ chức các sự kiện khác nhau tỏ lòng kính trọng tới Chủ tịch, để tuyên truyền rộng rãi những hiểu biết về sự vĩ đại của những tư tưởng và những việc Hồ Chí Minh đã làm cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
2.Đề nghị Tổng giám đốc UNESCO có những bước làm thích hợp để tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và hỗ trợ thêm cho các hoạt động kỉ niệm nhân dịp này, đặc biệt là các hoạt động diễn ra ở Việt Nam.
(Bản dịch của website thehehochiminh.net)
Optical Character Recognition (OCR) document. WARNING!
Spelling errors might subsist. In order to access
to the original document in image form, click on “Original” button on 1st page.
Records of the General Conference
Twenty-fourth Session Paris, 20 October to 20 November 1987
18.65 Centenary of the birth of President Ho Chi Minh
Page.134
18.65 Centenary of the birth of President Ho Chi Minh
The General Conference,
Considering that the international celebration of the anniversaries of eminent intellectual and cultural personalities contributes to the realization of Unesco’s objectives and to international understanding,
Recalling 18 C/Resolution 4.351 concerning the commemoration of the anni–versaries of great personalities and events which have left an imprint on the development of humanity,
Noting that the year 1990 will mark the centenary of the birth of President Ho Chi Minh, Vietnamese hero of national liberation and great man of culture,
Considering that President Ho Chi Minh, an outstanding symbol of national affirmation, devoted his whole life to the national liberation of the Vietnamese people, contributing to the common struggle of
peoples for peace, national independence, democracy and social progress,
Considering that the important and many-sided contribution of Chi Minh in the fields of culture, education and the lizes the cultural tradition of the Vietnamese stretches back several thousand years, and that his
President Ho arts crystal–people which ideals embody the aspirations of peoples in the affirmation of their cultural identity and the promotion of mutual understanding,
1. Recommends to Member States that they join in the commemoration of the centenary of the birth of President Ho Chi Minh by organizing various events as a tribute to his memory, in order to spread
knowledge of the greatness of his ideals and of his work for national liberation;
2. Requests the Director–General of Unesco to take appropriate steps to celebrate the centenary of the birth of President Ho Chi Minh and to lend his support to commemorative activities organized on that occasion, in particular those taking place in Viet Nam.
Theo website UNESCO:http://unesdoc.unesco.org/images/0007/000769/076995E.pdf
Read more…

Bức ảnh có chữ ký của Cụ Hồ và Võ Nguyên Giáp

2:26 AM |

Bức ảnh có chữ ký của Cụ Hồ và Võ Nguyên Giáp

Nhà Sử học Dương Trung Quốc
Dòng lưu bút viết dưới bức ảnh với chữ ký của Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp dành tặng cho một người bạn nước ngoài và sau này được sưu tập lại từ một cuốn sách biên khảo về lịch sử hiện đại Việt Nam của nhà sử học Australia gốc Mỹ, ông David Marr, đã khiến nhiều người đặt câu hỏi về tác giả của nó và thời điểm chụp, còn hai nhân vật trong ảnh thì là những gương mặt quá nổi tiếng lại có chữ ký rất dễ nhận biết.


Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp trên chiếc xe đến Quảng trường Ba Đình
Cuối cùng thì sau khi bức ảnh này được công bố, nhà báo Vũ Hạnh Hiên, nay đã quá cố đã phát hiện ra. Đó là nhà nhiếp ảnh cũng rất nổi tiếng: Võ An Ninh (nay cũng đã qua đời). Nhà nhiếp ảnh kể lại với nhà báo rằng vào Ngày Độc lập, 2/9/1945, dân cả Hà Nội ai cũng muốn ra đường làm một việc gì đó. Võ An Ninh cầm máy ảnh quyết làm sao chụp cho được ảnh Cụ Hồ trên kỳ đài nhưng không được vì đông quá khó tiếp cận.
Cho đến khi buổi lễ đã kết thúc, thấy có chiếc ôtô ghé vào gần kỳ đài, Võ An Ninh bèn chạy đến gần vừa lúc Cụ Hồ và ông Võ Nguyên Giáp vừa bước vào trong xe. Nhà nhiếp ảnh vội đưa máy ảnh vào khoang cửa và năn nỉ xin Cụ cho phép chụp bức ảnh.
Nhà nhiếp ảnh kể rằng, Cụ Hồ khẽ gật đầu nhưng chiếc mũ cát vành rộng khiến khuôn mặt của Cụ bị xấp bóng. Võ An Ninh đánh liều: “Thưa Cụ, con muốn Cụ hạ mũ xuống ạ”, và kể tiếp “Ông Giáp ngồi bên tủm tỉm cười như hiểu ý của tôi. Ông đưa tay lên hạ cái mũ Cụ đang đội và nhìn tôi… Thế là tôi có được một bức ảnh có một không hai trong cả cuộc đời gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh: Cụ Hồ ngồi bên có ông Giáp, cả hai gương mặt đều cương nghị, nhưng hiền hoà, có chút khắc khổ vì những lo toan cho vận nước ở giờ phút ngàn cân treo trên sợi tóc”.
Nghệ sĩ Võ An Ninh cho biết tấm ảnh này đã được treo triển lãm nhân Ngày độc lập ở phố Tràng Tiền … nhưng sau đó vì nhiều lý do cả ảnh và phim ông đều để thất lạc cho đến khi gặp lại bức ảnh này, như ông cho biết là trong một cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp…
Read more…

CHƯƠNG II: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

2:18 AM |


CHƯƠNG II:
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC VÀ
CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC

I. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ DÂN TỘC
1. Vấn đề dân tộc thuộc địa
Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ mới xem xét và giải quyết vấn đề dân tộc trong điều kiện các nước tư bản chủ nghĩa ở Châu Âu.
- Kế thừa và phát triển sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, Hồ Chí Minh tập trung bàn về vấn đề dân tộc thuộc địa.
a. Thực chất của  vấn đề dân tộc thuộc địa
- Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giải phóng dân tộc
Đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, xoá bỏ ách thống trị, áp bức, bóc lột của nước ngoài, giải phóng dân tộc, giành độc lập dân tộc, thực hiện quyền dân tộc tự quyết, thành lập Nhà nước dân tộc độc lập
- Lựa chọn con đường phát triển của dân tộc
Từ thực tiễn phong trào cứu nước của nhân dân và lịch sử cách mạng thế giới, Hồ Chí Minh khẳng định phương hướng phát triển của dân tộc trong bối cảnh thời đại mới là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
b. Nội dung cốt lõi của vấn đề dân tộc thuộc địa là độc lập tự do cho dân tộc
- Cách tiếp cận: Từ quyền con người:
+ Hồ Chí Minh coi quyền bình đẳng, quyền được sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của con người là những “lẽ phải không ai có thể chối cãi được”
+ Từ cách tiếp cận về quyền con người, Hồ Chí Minh đã suy rộng, khái quát thành quyền dân tộc: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền được sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[1].
- Độc lập tự do là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của các dân tộc
- Nội dung của độc lập dân tộc
+ Một là: Độc lập hoàn toàn, độc lập mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh…
+ Hai là: Mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia phải do nhân dân của dân tộc đó quyết định. Tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, do nhân dân làm chủ
+ Ba là: Độc lập dân tộc gắn với sự thống nhất quốc gia, sự toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
+ Bốn là: Độc lập dân tộc gắn liền với ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân
+ Năm là: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
+ Sáu là: Độc lập gắn với hoà bình hữu nghị giữa các dân tộc, độc lập cho dân tộc mình đồng thời độc lập cho tất cả các dân tộc khác
c. Chủ nghĩa dân tộc - một động lực lớn của đất nước
- Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của dân tộc để giành lại quyền độc lập cho các dân tộc thuộc địa.
- Người đã kiến nghị về Cương lĩnh hành động của Quốc tế cộng sản: “Phát động chủ nghĩa dân tộc bản xứ nhân danh Quốc tế cộng sản…Khi chủ nghĩa dân tộc của họ thắng lợi…nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”[2].
2. Mối quan hệ giữa vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp
a. Vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp có quan hệ chặt chẽ với nhau
- Khẳng định vai trò lịch sử của giai cấp công nhân và quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng cộng sản Việt Nam trong quá trình cách mạng Việt Nam
- Chủ trương đại đoàn kết dân tộc rộng rãi trên nền tảng liên minh công – nông – trí thức, dưới sự lãnh đạo của Đảng
   - Sử dụng bạo lực cách mạng của quần chúng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù
- Thiết lập chính quyền Nhà nước của dân, do dân, vì dân
- Gắn kết mục tiêu độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội
b. Giải phóng dân tộc là vấn đề trên hết, trước hết, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
- Đây là luận điểm sáng tạo của Hồ Chí Minh khi xác định con đường cứu nước là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, khác với các con đường cứu nước của cha ông ta (gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa phong kiến), hoặc chủ nghĩa tư bản.
- Giành được độc lập dân tộc rồi, phải tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự phát triển đất nước theo con đường chủ nghĩa xã hội là một đảm bảo vững chắc cho nền độc lập của dân tộc.
c. Giải phóng dân tộc tạo tiền đề để giải phóng giai cấp
Giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của chủ nghĩa thực dân là điều kiện để giải phóng giai cấp. Vì vậy, lợi ích giai cấp phải phục tùng lợi ích dân tộc.
d. Đấu tranh cho độc lập của dân tộc mình, đồng thời tôn trọng độc lập của các dân tộc khác
Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần dân tộc tự quyết, nhưng không quên nghĩa vụ quốc tế của mình trong việc đấu tranh giành độc lập cho các dân tộc thuộc địa trên thế giới
II. TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁCH MẠNG GIẢI PHÓNG DÂN TỘC
1. Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc.
a. Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng ở thuộc địa.
-  Sự phân hóa của xã hội thuộc địa không giống như ở các nước tư bản phương Tây cho nên cuộc đấu tranh giai cấp không diễn ra giống như ở phương Tây.
-  Mâu thuẫn của xã hội thuộc địa là mâu thuẫn giữa dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa thực dân.
- Đối tượng của cách mạng ở thuộc địa. Là chủ nghĩa thực dân và tay sai phản động.
-  Yêu cầu bức thiết của cách mạng thuộc địa là độc lập dân tộc.
-  Nhiệm vụ của cách mạng giải phóng dân tộc
+ Chống đế quốc giành độc lập cho dân tộc
+ Chống phong kiến, đưa lại ruộng đất cho nông dân, dân chủ cho nhân dân lao động.
- Tính chất của cách mạng thuộc địa. Tính chất và nhiệm vụ của cách mạng ở Việt Nam là cách mạng giải phóng dân tộc.
b. Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc.
- Lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc
- Giành độc lập dân tộc
- Giành chính quyền về tay nhân dân
2. Cách mạng giải phóng dân tộc muốn thắng lợi phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
Cách mạng vô sản là gì? Theo từ điển thuật ngữ lịch sử phổ thông, cách mạng vô sản là cách mạng do giai cấp vô sản lãnh đạo, nhằm dùng bạo lực cách mạng lật đổ ách thống trị của giai cấp tư sản, lập nên chế độ xã hội chủ nghĩa.
a.  Rút bài học từ sự thất bại của các con đường cứu nước trước đó.
Để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của thực dân Pháp, ông cha ta đã sử dụng nhiều con đường gắn với những khuynh hướng chính trị khác nhau, sử dụng những vũ khí tư tưởng khác nhau nhưng đều thất bại
Đất nước rơi vào “tình hình đen tối tưởng như không có đường ra”. Đó là tình trạng khủng hoảng về đường lối cứu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX. Nó đặt ra yêu cầu bức thiết phải tìm một con đường cứu nước mới.
b. Cách mạng tư sản là không triệt để.
 “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản, cách mệnh không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước lục công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Cách mệnh đã 4 lần rồi mà nay công nông Pháp hẵng còn phải mưu cách mệnh lần nữa mới hòng thoát khỏi vòng áp bức. Cách mệnh An Nam nên nhớ những điều ấy”[3].
Từ đó, Người khẳng định cách mạng Việt Nam không thể đi theo khuynh hướng dân chủ tư sản.
c. Con đường giải phóng dân tộc .
Theo Hồ Chí Minh, chỉ có con đường cách mạng vô sản mới giành được độc lập thực sự cho dân tộc, mới làm cho độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nhân dân Việt Nam được hưởng hạnh phúc, tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành.
3. Cách mạng giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
a. Cách mạng trước hết phải có Đảng.
- Cơ sở của luận điểm:
+ C.Mác - Ăngghen khẳng định sự cần thiết phải thành lập chính Đảng của giai cấp vô sản.
“Giai cấp vô sản muốn đủ mạnh và có thể giành được thắng lợi thì nó phải thành lập một Đảng đặc biệt khác với tất cả các Đảng khác và đối lập với các Đảng khác, tự coi mình là Đảng của giai cấp”.
+ Trên cơ sở quan điểm của C.Mác - Ăngghen, Lênin cũng nhấn mạnh:
“Không có một tổ chức vững vàng lãnh đạo thì không thể có phong trào cách mạng vững chắc được”.
+ Cách mạng trong nước:  Sự thất bại của các phong trào yêu nước ở Việt Nam đầu thế kỷ XX một phần là do các phong trào này chưa cố tổ chức lãnh đạo, hoặc nếu có thì lại thiếu đường lối chính trị đúng đắn, thiếu phương pháp cách mạng khoa học, không có cơ sở rộng rãi trong nhân dân (Việt Nam quốc dân đảng).
- Hồ Chí Minh khẳng định: Muốn giải phóng dân tộc thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh.
 “Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có đảng cách mệnh để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công. Cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy. Đảng muốn vững phải có chủ nghĩa làm cốt, trong Đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa cũng như người không có trí khôn, tàu không có bàn chỉ nam”[4].
b. Đảng Cộng sản Việt Nam là người lãnh đạo duy nhất
Đảng cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo duy nhất của cách mạng giải phóng dân tộc nói riêng và của toàn bộ tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung, bởi Đảng cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam.
4. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc bao gồm toàn dân tộc.
a. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng bị áp bức
- Cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp chung của toàn dân tộc 
Người khẳng định “Cách mạng là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người”[5].
-  Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh của quần chúng nhân dân: “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại nổi”.
b. Lực lượng của cách mạng giải phóng dân tộc
- Lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc là toàn dân hay tất cả những người yêu nước
- Động lực cách mạng là công nhân và nông dân
- Bạn đồng minh của cách mạng
Trong khi hết sức nhấn mạnh vai trò của công nhân và nông dân, Hồ Chí Minh không coi nhẹ khả năng tham gia sự nghiệp giải phóng dân tộc của các giai cấp và tầng lớp khác. Những giai cấp ủng hộ và tham gia cách mạng tức là động lực lớn của cách mạng.
5. Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo và có khả năng giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.
Mác, Ăngghen và Lênin khi nghiên cứu vấn đề dân tộc, thuộc địa, cách mạng giải phóng dân tộc chỉ thấy mối liên hệ một chiều. Đó là vai trò chính, chi phối, có ảnh hưởng lớn đến cách mạng giải phóng dân tộc của cuộc cách mạng ở chính quốc do giai cấp vô sản lãnh đạo.
a. Cách mạng giải phóng dân tộc cần được tiến hành chủ động, sáng tạo
- Sức sống của chủ nghĩa tư bản tập trung ở các thuộc địa
Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư, tiêu thụ hàng, mộ nhân công rẻ mạt cho đạo quân lao động của nó, và nhất là tuyển những binh lính bản xứ cho các đạo quân phản cách mạng của nó”[6].
- Nhân dân các dân tộc thuộc địa có khả năng cách mạng to lớn.
- Công cuộc giải phóng nhân dân thuộc địa chỉ có thể thực hiện được bằng sự nỗ lực tự giải phóng.
b. Quan hệ giữa cách mạng thuộc địa với cách mạng vô sản ở chính quốc.
Mác – Lênin và Quốc tế cộng sản chưa dự báo gì về khả năng thắng lợi trước của cách mạng thuộc địa mà mới chỉ thấy mối liên hệ chi phối, hỗ trợ, quyết định theo chiều hướng chính quốc giúp thuộc địa.
Theo Hồ Chí Minh, mối quan hệ đó được thể hiện ở chỗ:
- Cùng chống kẻ thù chung là chủ nghĩa đế quốc.
Từ việc hiểu rõ bản chất của chủ nghĩa tư bản, Hồ Chí Minh cho rằng: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa” và “Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi, nếu người ta chỉ cắt một vòi thôi thì cái vòi kia vẫn tiếp tục hút máu của giai cấp vô sản; con vật vẫn tiếp tục sống và cái vòi bị cắt đứt lại sẽ mọc ra”[7].
- Cách mạng giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc có mối quan hệ biện chứng, gắn bó khăng khít với nhau. Đó là mối quan hệ bình đẳng, chứ không phải là quan hệ lệ thuộc, quan hệ chính - phụ.
- Cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc và giúp đỡ cách mạng chính quốc giành thắng lợi.
6. Cách mạng giải phóng dân tộc phải thực hiện bằng con đường cách mạng bạo lực.
a. Tính tất yếu của bạo lực cách mạng.
- Tính tất yếu của con đường cách mạng bạo lực.
Đánh giá đúng bản chất cực kỳ phản động của đế quốc và tay sai, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”[8]
- Bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng.
+ “Cách mạng là việc chung của dân chúng”. Ở đâu, trong cuộc chiến tranh nào, huy động được đông đảo quần chúng, huy động được sức mạnh nhân dân thì ở đó sẽ thu được thắng lợi: “dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”[9].
+ Hồ Chí Minh khẳng định sức mạnh bạo lực ở nơi quần chúng là rất to lớn nhưng nếu không biết khơi dậy, nó chỉ ở dạng tiềm năng. Vì vậy phải giáo dục, giác ngộ, rèn luyện đấu tranh: “Phải giáo dục chủ nghĩa cho dân hiểu, phải bày sách lược cho dân làm”[10].
- Hình thức của bạo lực cách mạng:
Bạo lực cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh là bạo lực của quần chúng, là sức mạnh tổng hợp của:
·                    Yếu tố chính trị và quân sự
·                    Lực lượng chính trị của quần chúng và lực lượng vũ trang của nhân dân
·                    Hai hình thức đấu tranh là đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị.
b. Tư tưởng bạo lực cách mạng gắn bó hữu cơ với tư tưởng nhân đạo và hòa bình.
- Tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình
- Phải tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng.
- Khi tiến hành chiến tranh, vẫn tìm mọi cách vãn hồi hòa bình
c. Hình thái bạo lực cách mạng
Theo Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc “lực lượng chính là ở dân
- Khởi nghĩa toàn dân.
Khởi nghĩa vũ trang là nhân dân nổi dậy dùng vũ khí đánh đuổi quân cướp nước để giành lấy chính quyền.
- Chiến tranh nhân dân
Theo Hồ Chí Minh chiến tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam phải là: toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến dựa vào sức mình là chính. Đây cũng là nội dung cốt lõi, cơ bản của chiến tranh nhân dân ở nước thuộc địa nửa phong kiến, chống lại xâm lược của thực dân, đế quốc.
+ Kháng chiến toàn dân
 “Dân là chủ, kháng chiến kiến quốc là sự nghiệp của dân”
“Cuộc kháng chiến của ta là toàn dân, thực sự là một cuộc chiến tranh nhân dân”[11].
+ Kháng chiến toàn diện
Hồ Chí Minh chủ trương kết hợp chặt chẽ các mặt trận, các hình thức đấu tranh quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoai giao trong đó đấu tranh quân sự là hình thức chủ yếu.
Người kêu gọi: “Mỗi người dân Việt Nam bất kỳ già trẻ, trai gái, bất kỳ giàu nghèo, lớn nhỏ đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận quân sự, kinh tế, chính trị, văn hoá” [12].
- Trên mặt trận quân sự: là hình thức chủ yếu của chiến tranh nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đập tan âm mưu xâm lược...
- Chính trị: Để phát triển lực lượng, tranh thủ đồng minh, đoàn kết quốc tế đồng thời làm cho thắng lợi quân sự to lớn hơn.
- Ngoại giao: “Thêm bạn bớt thù, vừa đánh vừa đàm. Tiến công ngoại giao cũng là một mặt trận quan trọng có ý nghĩa chiến lược” (Nghị quyết Hội nghị quân uỷ Trung ương tháng 4/1969). Hồ Chí Minh chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, đánh là chủ yếu, đàm là hỗ trợ”[13].
- Kinh tế: là ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế của ta làm hậu phương vững chắc và phá hoại kinh tế địch góp phần làm thất bại cuộc chiến tranh xâm lược của địch. Người kêu gọi: “hậu phương thi đua với tiền phương”, coi ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sỹ”
- Văn hoá: Để phát huy truyền thống dân tộc ta văn hoá là một mặt trận không kém phần quan trọng. Tuyên truyền mục đích cách mạng và chiến tranh là chính nghĩa- vì độc lập tự do, làm cho khả năng tiến hành chiến tranh nhân dân trở thành hiện thực, làm cho nhân dân tự giác tham gia kháng chiến.
+ Kháng chiến lâu dài.
Hồ Chí Minh khẳng định chủ trương “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi”
Tương quan so sánh lực lượng ta và địch. Quân địch đông, có kinh nghiệm trong chiến tranh hiện đại, trang bị vũ khí tối tân, bản chất ngoan cố, mưu đồ thống trị nhanh chóng.
+ Dựa vào sức mình là chính.
Hồ Chí Minh kêu gọi “Hãy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” nhằm phát huy cao độ nguồn sức mạnh chủ quan, tránh tư tưởng bị động trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. “Một dân tộc không tự lực cánh sinh mà cứ ngồi chờ cho dân tộc khác giúp đỡ thì không xứng đáng được độc lập”
- Tuy nhiên phải tranh thủ sự giúp đỡ đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới và các nước, nhân dân tiến bộ vì cách mạng Việt Nam là một bộ phận cách mạng thế giới.
KẾT LUẬN: Chặng đường lịch sử 80 năm qua kể từ ngày ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn trung thành với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin và những quan điểm tư tưởng của Hồ Chí Minh về dân tộc và cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn cho cách mạng Việt Nam. Chính sách đó vừa phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, vừa phù hợp với xu thế phát triển tiến bộ của nhân loại, cũng bởi lẽ đó mà cách mạng Việt Nam có được sức mạnh to lớn để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.



[1]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 4, tr. 1.
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, tr. 467.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, tr. 274.
[4]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 267-268.
[5]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 261
[6]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 243.
[7]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 1, tr. 298.
[8]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 12, tr. 304
[9]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 274
[10]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 2, tr. 267
[11]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 12, tr. 24.
[12]. Hồ Chí Minh, Toàn tập, t. 5, tr. 444.
[13]. Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Nxb. CTQG, H, 1997, tr. 205).n
Read more…