Xuyên suốt và nhất quán trong cuộc đời
và sự nghiệp của Hồ Chí Minh là tư tưởng đại đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc
tế nhằm tập hợp, phát huy sức mạnh của lực lượng cách mạng trong nước, quốc tế,
phấn đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc – xã hội – con người. Tư tưởng đại
đoàn kết Hồ Chí Minh trên thực tế đã trở thành một chiến lược cách mạng hướng
dẫn toàn Đảng, toàn dân ta trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa
xã hội.
I. TƯ TƯỞNG HỒ
CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
1. Vị trí, vai trò
của đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp cách mạng
a. Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến
lược, quyết định sự thành công của cách mạng
Vấn đề đại đoàn kết được Hồ Chí Minh đề cập
đến trong 47% các bài nói, bài viết của Người.
-
Đại đoàn kết là một tư tưởng cơ bản, nhất quán, xuyên suốt tiến trình cách mạng
Việt Nam, nhằm tập hợp mọi lực lượng nhân dân, nhờ đó hình thành sức mạnh to
lớn của toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng.
Người nói: “Đoàn kết là sức mạnh”,
“Đoàn kết là thắng lợi”, “Đoàn kết là then chốt”, “Bây giờ có một điểm rất quan
trọng, cũng là điểm mẹ. Điểm này mà thực hiện tốt thì đẻ ra con cháu đều tốt:
Đó là đoàn kết”.
b. Đại đoàn kết dân tộc là mục tiêu,
nhiệm vụ hàng đầu của Đảng, của dân tộc
- Đại đoàn kết dân tộc được quán triệt
trong mọi đường lối, chính sách của Đảng trong mọi giai đoạn cách mạng
Điều này được Hồ Chí Minh khẳng định
trong buổi lễ ra mắt của “Đảng Lao động
Việt Nam” ngày 3/3/1951: “Mục đích của Đảng Lao động Việt Nam có thể gồm
trong 8 chữ là: Đoàn kết toàn dân, phụng sự Tổ quốc”.
-
Đại đoàn kết dân tộc là yêu cầu khách quan của chính quần chúng trong cuộc đấu
tranh tự giải phóng, do vậy, đại đoàn kết còn là sự nghiệp của quần chúng, vì
quần chúng.
2. Nội dung của đại đoàn kết dân tộc
a. Đại đoàn kết dân tộc là đại đoàn kết
toàn dân
-
Khái niệm DÂN trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Khái
niệm “Dân” trong tư tưởng Hồ Chí Minh có nội hàm rất rộng. Người đã dùng khái
niệm này để chỉ mọi con dân nước Việt, Con Rồng cháu Tiên, không phân biệt dân
tộc thiểu số với đa số, người tín ngưỡng với người không tín ngưỡng, không phân
biệt già trẻ, gái trai, giàu nghèo.
Người nói: “Ta đoàn kết để đấu tranh cho
thống nhất và độc lập của Tổ quốc; ta còn phải đoàn kết để xây dựng nước nhà.
Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta
đoàn kết với họ”.
- Nòng cốt của khối
đại đoàn kết toàn dân là khối liên minh công nông trí thức và các tầng lớp nhân
dân lao động khác.
Người đã chỉ rõ: “Đại đoàn kết tức là
trước hết phải đoàn kết đại đa số nhân dân, mà đại đa số nhân dân ta là công
nhân, nông dân và các tầng lớp nhân dân lao động khác”. Vì
vậy, Người coi công - nông cũng như “cái nền của nhà, gốc của cây” vậy.
Tuy nhiên, khi đã có nền vững, gốc tốt
thì phải kết hợp với nhiều yếu tố khác, yếu tố đó là các tầng lớp nhân dân
khác. Về sau, xuất phát từ thực tiễn khách quan, Người đã nêu ra sự cần thiết
phải có liên minh công - nông - trí để làm nền tảng cho khối đại đoàn kết dân
tộc.
b. Thực hiện đại đoàn kết toàn dân phải kế thừa
truyền thống yêu nước - nhân nghĩa – đoàn kết của dân tộc; đồng thời, phải có
tấm lòng khoan dung độ lượng, tin vào nhân dân, tin vào con người
- Để xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân, phải kế thừa truyền thống yêu nước – nhân nghĩa –
đoàn kết của dân tộc.
+ Trong hàng nghìn năm lịch sử dựng nước
và giữ nước, truyền thống yêu nước - nhân nghĩa - đoàn kết đã thấm sâu vào tư
tưởng, tình cảm của người Việt Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp chiến thắng mọi
thiên tai, địch hoạ.
+ Hồ Chí Minh kế thừa, hấp thụ những giá trị nhân
bản của truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa Việt Nam
Người khẳng định: “Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi
nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự hiểm
nguy, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”.
- Phải có lòng
khoan dung, độ lượng, tin vào nhân dân, vào con người
+
Theo Hồ Chí Minh, khoan dung, độ lượng là một nhân tố cơ bản góp phần vào xây
dựng khối đại đoàn kết dân tộc.
+
Tin dân, dựa vào dân, phấn đấu vì quyền lợi của nhân dân là nguyên tắc cơ bản
trong tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh.
3.
Hình thức tổ chức khối đại đoàn kết dân tộc
a. Hình thức tổ chức của khối đại đoàn
kết dân tộc là Mặt trận dân tộc thống nhất
-
Mặt trận dân tộc thống nhất là nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong
khối đại đoàn kết dân tộc,
-
Mặt trận dân tộc thống nhất là nơi quy tụ mọi tổ chức và cá nhân yêu nước, nơi
tập hợp mọi con dân nước Việt, không chỉ ở trong nước mà còn bao gồm cả những
người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
-
Tuỳ theo từng thời kỳ, từng giai đoạn cách mạng mà có những hình thức tổ chức
mặt trận cho phù hợp.
b. Một số nguyên tắc cơ
bản về xây dựng và hoạt động của Mặt trận dân tộc thống nhất
- Mặt trận phải được xây dựng trên nền tảng khối
liên minh công - nông - trí thức, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
+ Là nguyên tắc cốt lõi trong chiến
lược đại đoàn kết của Hồ Chí Minh “công, nông, trí cần đoàn kết chặt chẽ thành
một khối”, khác với tư tưởng đoàn kết, tập hợp lực lượng của các nhà yêu nước
Việt Nam trong lịch sử và một số lãnh tụ cách mạng khác ở khu vực và trên thế
giới.
+ Khối đại đoàn kết trong Mặt trận
dân tộc thống nhất chỉ có thể được củng cố và phát triển vững chắc dưới sự lãnh
đạo của Đảng.
- Mặt trận dân tộc thống nhất phải hoạt động
trên cơ sở đảm bảo lợi ích tối cao của dân tộc, quyền lợi cơ bản của các tầng
lớp nhân dân
+ Mặt trận dân tộc thống nhất chỉ có thể
thực hiện lâu dài và bền chặt khi có sự thống nhất cao độ về mục tiêu và lợi
ích. Lợi ích tối cao của dân tộc là độc lập, tự do. Đây là nguyên tắc bất biến,
là ngọn cờ đoàn kết để quy tụ các tầng lớp, giai cấp, đảng phái, dân tộc, tôn
giáo vào trong Mặt trận.
- Mặt trận dân
tộc thống nhất phải hoạt động theo nguyên tắc hiệp thương dân chủ, đảm bảo đoàn
kết ngày càng rộng rãi và bền vững
+ Nguyên tắc hiệp thương dân chủ là tất
cả mọi vấn đề của Mặt trận phải được công khai, bàn bạc để tránh sự áp đặt hoặc
dân chủ hình thức.
+ Để thực hiện nguyên tắc hiệp thương
dân chủ, cần đứng vững trên lập trường giai cấp công nhân, giải quyết hài hòa
mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp, lợi ích chung và riêng,
phải làm cho tất cả các thành viên trong Mặt trận thấm nhuần lợi ích chung, lợi
ích tối cao của dân tộc
- Mặt trận dân tộc thống nhất là khối đoàn kết
chặt chẽ, lâu dài, đoàn kết thật sự, chân thành, thân ái giúp đỡ nhau cùng tiến
bộ
+ Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm “cầu
đồng tồn dị” - lấy cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt.
+ Đoàn kết phải gắn với đấu tranh, đấu
tranh để tăng cường đoàn kết.
II. TƯ TƯỞNG HỒ
CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT QUỐC TẾ
1. Sự cần thiết
xây dựng đoàn kết quốc tế
a. Thực hiện đoàn kết quốc tế nhằm kết hợp sức mạnh
dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp cho cách mạng
- Sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại
+
Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sự tổng hợp của các yếu tố vật chất và tinh
thần, song trước hết là sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và ý thức tự lực, tự
cường dân tộc; sức mạnh của tinh thần đoàn kết; của ý chí đấu tranh anh dũng,
bất khuất cho độc lập, tự do.
+ Sức mạnh thời đại là sự tập hợp các
lực lượng bên ngoài, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của bè bạn quốc
tế, kết hợp với sức mạnh của các trào lưu cách mạng thời đại, tạo thành sức
mạnh tổng hợp cho cách mạng.
- Sự cần thiết phải kết hợp:
+
Khi tìm thấy con đường cứu nước, Người đã sớm xác định cách mạng Việt Nam là
một bộ phận của cách mạng thế giới, cách mạng Việt Nam chỉ có thể thành công và
thành công đến nơi khi thực hiện đoàn kết chặt chẽ với phong trào cách mạng thế
giới.
Như vậy, đoàn kết dân tộc gắn liền với
đoàn kết quốc tế là để kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo sức
mạnh tổng hợp cho cách mạng chiến thắng kẻ thù.
b. Thực hiện đoàn kết
quốc tế, nhằm góp phần cùng nhân dân thế giới thực hiện thắng lợi các mục tiêu
cách mạng
- Thực hiện đoàn kết quốc tế không phải
chỉ vì thắng lợi của cách mạng mỗi nước mà còn vì sự nghiệp chung của nhân loại
tiến bộ trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động
quốc tế vì các mục tiêu cách mạng của thời đại
Trong “Báo cáo chính trị” tại Đại hội II (2/1951), Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với
tinh thần “vị quốc” của bọn quốc tế phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần
quốc tế”.
- Để tăng cường đoàn kết quốc tế các
đảng cộng sản phải tiến hành có hiệu quả việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước chân
chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế vô sản cho giai cấp công nhân và nhân dân
lao động.
2. Nội dung và hình thức đoàn kết quốc tế
a. Các lực lượng cần
đoàn kết
Tập trung chủ yếu vào 3 lực lượng: phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế, phong trào đấu tranh và giải phóng dân tộc
và phong trào hoà bình, dân chủ thế giới
-
Đối với phong trào cộng sản và công nhân
thế giới.
Đây là lực lượng nòng cốt của đoàn kết
quốc tế. Sự đoàn kết giữa giai cấp vô sản quốc tế là một đảm bảo vững chắc cho
thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản
-
Đối với phong trào đấu tranh giải phóng
dân tộc
Hồ Chí Minh kiến nghị đề ra những biện
pháp nhằm đoàn kết các dân tộc thuộc địa với nhau và tăng cường đoàn kết giữa
cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc.
-
Đối với các lực lượng tiến bộ, những
người yêu chuộng hoà bình, dân chủ, tự do và công lý.
b. Hình thức đoàn kết
Dựa trên cơ sở các quan hệ về địa lý,
chính trị và tính chất chính trị xã hội trong khu vực và trên thế giới cũng như
tình hình và nhiệm vụ cách mạng mỗi thời kỳ, Hồ Chí Minh từng bước xây dựng và
củng cố khối đoàn kết quốc tế, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của các trào lưu
cách mạng thời đại, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của cách mạng
Việt Nam.
- Đoàn kết trên
cơ sở xây dựng mặt trận giữa ba nước Đông Dương:
+ Cả ba dân tộc đều là láng giềng gần gũi của
nhau, có nhiều điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và cùng chung kẻ thù là thực
dân Pháp.
+ Năm 1941, để khơi dậy sức mạnh và
quyền tự quyết của mỗi dân tộc, Người quyết định thành lập “Mặt trận độc lập đồng minh” cho mỗi nước Việt Nam,
Lào, Cao Miên, tiến tới thành lập “Đông
Dương độc lập đồng minh”.
+ Trong hai cuộc kháng chiến, Người đã
chỉ đạo thành lập “Mặt trận đoàn kết Việt
– Miên – Lào” phối hợp và giúp đỡ nhau cùng chiến đấu thắng lợi.
- Mặt trận Á –
Phi đoàn kết với Việt Nam:
+ Người chăm lo
củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác nhiều mặt theo tinh thần “vừa là
đồng chí, vừa là anh em” với Trung Quốc.
+ Từ những năm 20 của thế kỷ XX, Người
tham gia sáng lập “Hội liên hiệp thuộc
địa” tại Pháp và sáng lập “Hội liên
hiệp các dân tộc bị áp bức” tại
Trung Quốc, góp phần đặt cơ sở cho sự ra đời “Mặt trận nhân dân Á – Phi”.
- Mặt trận trong
phe dân chủ: Trong những năm đấu tranh giành
chính quyền, Hồ Chí Minh tìm mọi cách xây dựng các quan hệ với Mặt trận dân chủ
và lực lượng đồng minh chống phát xít, nhằm tạo thế dựa cho cách mạng Việt Nam.
- Mặt trận các
lực lượng tiến bộ: Bằng
các hoạt động ngoại giao không mệt mỏi, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của
các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của bạn bè quốc tế, của nhân loại tiến bộ,
trong đó có cả nhân dân Pháp và nhân dân Mỹ, hình thành “Mặt trận nhân dân thế giới đoàn kết với Việt Nam chống đế quốc xâm lược”.
Như vậy, tư tưởng đại đoàn kết vì thắng lợi cách mạng của Hồ Chí Minh
đã định hướng cho việc hình thành 4 tầng mặt trận. Đây thực sự là sự phát triển
rực rỡ nhất và thắng lợi to lớn nhất của tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh.
3. Nguyên tắc đoàn kết quốc tế
a. Đoàn kết trên cơ sở
thống nhất mục tiêu và lợi ích, có lý, có tình
Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã đặt cách mạng
Việt Nam trong bối cảnh chung của thời đại, kết hợp lợi ích của cách mạng Việt
Nam với trào lưu cách mạng thế giới và nhận thức về nghĩa vụ của Việt Nam đối
với sự nghiệp chung của loài người tiến bộ.
- Đối với phong
trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hồ Chí Minh
giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, thực hiện
đoàn kết thống nhất trên nền tảng của chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc
tê vô sản, có lý, có tình.
- Đối với các
dân tộc trên thế giới, Hồ Chí Minh giương cao
ngọn cờ độc lập, tự do và quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
Tháng 9/1947, trả lời nhà báo Mỹ, Hồ Chí
Minh tuyên bố chính sách đối ngoại của nước Việt Nam là: “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”.
- Đối với các
lực lượng tiến bộ trên thế giới, Hồ Chí Minh
giương cao ngọn cờ hòa bình trong công lý.
b. Đoàn kết trên cơ sở
độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường
- Độc lập, tự chủ là yếu tố quyết định
thắng lợi ở mỗi nước, cuộc đấu tranh của nhân dân mỗi nước vì lợi ích của dân
tộc mình phải do nhân dân nước đó tự làm, Đảng cộng sản mỗi nước phải chịu
trách nhiệm đối với vận mệnh của nước mình. Do đó, phải nêu cao tinh thần độc
lập, tự chủ.
- Muốn tranh thủ được sự ủng hộ quốc tế,
Đảng phải có đường lối độc lập, tự chủ và đúng đắn. Người nói: “Độc lập nghĩa là chúng tôi điều khiển lấy
mọi công việc của chúng tôi, không có sự can thiệp ở ngoài vào”. “Các đảng dù lớn dù nhỏ đều độc lập và bình
đẳng, đồng thời đoàn kết nhất trí giúp đỡ lẫn nhau”.
KẾT
LUẬN
- Đại đoàn kết dân tộc là một chiến lược
cách mạng được Hồ Chí Minh đề ra từ rất sớm, trở thành tư tưởng chỉ đạo, xuyên
suốt tến trinh fcm Việt Nam, là cội nguồn sức mạnh làm nên mọi thắng lợi của
cách mạng Việt Nam và đóng góp quan trọng vào lý luận cách mạng thế giới.
- Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã và
đang chứng minh sức sống kỳ diệu của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh. Trung
thành và kiên định đi theo ngọn cờ đại đoàn kết của Người là một trong những
nhân tố quan trọng giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành
nhiệm vụ.
- Trong điều kiện hiện nay, đại đoàn kết
theo tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi phải xây dựng được một Đảng cầm quyền thật sự
trong sạch, vững mạnh, cán bộ đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy
tớ thật trung thành của nhân dân.
Hiện nay, Đảng và dân tộc ta đang đứng trước những vận
hội, nguy cơ và thử thách lớn. Vấn đề tập hợp lực lượng, đoàn kết mọi lực lượng
xã hội trong nước và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ, giúp đỡ của quốc tế để đẩy
mạnh và nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đang đặt ra rất cấp
bách. Hàng loạt các vấn đề về đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế trong điều
kiện phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, trong thời
đại quan hệ quốc tế đan xen đa chiều, đa cực, các thế lực đế quốc chủ nghĩa
đang tích cực tiến hành “Diễn biến hoà
bình” nhằm xóa bỏ chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi chúng ta phải giải đáp. Hơn
bao giờ hết, việc học tập, nghiên cứu nghiêm túc để kế thừa, phát triển chiến
lược đại đoàn kết Hồ Chí Minh trong thời đại mới có ý nghĩa thực tiễn và lý
luận to lớn.
. Hồ Chí Minh: Toàn
tập, Nxb. CTQG, H.
2001, t.8, tr. 392.
Comments[ 0 ]
Post a Comment