Khi ý chí và nghĩa tình dâng trào tột độ, người ta thường dùng những giọt máu quý báu của mình để biểu thị. Những bức "huyết thư", "huyết kháng thư" hay "huyết lệ thư"... từ lâu đã xuất hiện đó đây trên thế giới cũng như ở nước ta. Song cơ hồ ít nghe đến những bức "huyết họa" (tranh vẽ bằng máu). Vậy mà ở ta, ít nhất đã có đến bốn bức huyết họa về Bác Hồ kính yêu.
Bức huyết họa Bác Hồ của tác giả Diệp Minh Châu năm 1947
lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
Trước hết phải nói tới bức "huyết họa" đầu tiên của nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Diệp Minh Châu - quê Bến Tre. Trong dịp mừng lễ Độc lập năm 1947, ông đã chích máu từ cánh tay mình vẽ Bác Hồ với ba em nhỏ Bắc - Trung - Nam trên tấm lụa chiến lợi phẩm của bộ đội ta. Phía dưới tranh còn có dòng chữ: "Thay mặt cho văn nghệ sĩ kháng chiến Nam Bộ, con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một bức tranh đẹp nhất của đời con, và cũng là "tác phẩm" mà do chính Cha đã tạo nên".
Sau đó, Diệp Minh Châu đã nhờ Đoàn cán bộ miền Nam đi họp ở Việt Bắc mang bức tranh này dâng lên Bác. Nay bức tranh còn lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Cũng ở Nam Bộ, trong cuốn "Những mẩu chuỵện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", Trần Dân Tiên có ghi lại: "Ở Nam Bộ, một chiến sĩ du kích - họa sĩ bị thương ở chiến trường, trong khi chờ đợi cứu thương đến, đã lấy máu mình vẽ lên áo ảnh Hồ Chủ tịch".
Thật đáng tiếc là đến nay vẫn chưa biết được tên tuổi cụ thể người chiến sĩ - họa sĩ thương binh ấy và chiếc áo có ảnh Hồ Chủ tịch vẽ bằng máu ấy đi về đâu? Song, dẫu sao cũng được biết đến một sự tích đầy xúc động về một tấm lòng kính yêu Bác vô cùng sâu nặng của một chiến sĩ - họa sĩ thương binh vô danh. Và có lẽ phải ghi nhận: Đây là bức huyết họa thứ hai về Bác Hồ kính yêu!
Bức huyết họa Bác Hồ của tác giả Lê Duy Ứng
lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Từ sự tích vẽ Bác bằng máu của người chiến sĩ - họa sĩ thương binh vô danh ấy khiến người ta nhớ ngay đến người chiến sĩ - nghệ sĩ thương binh nặng, mắt mờ, đang hiện diện với bức huyết họa chân dung Bác mang nhiều ý nghĩa lịch sử, và nay, nghệ sĩ vẫn tiếp tục say mê sáng tác về Bác Hồ vĩ đại. Đó là họa sĩ kiêm điêu khắc gia - Đại tá Lê Duy Ứng - đang công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bức vẽ của Lê Duy Ứng là bức huyết họa thứ ba về Bác, và đó là bức thứ hai vẽ bằng máu bị thương nơi chiến trường. Trong giờ phút nguy kịch tưởng sắp hy sinh, ngay trên tháp xe tăng đang bốc cháy, trong bóng đen mờ mịt, Lê Duy Ứng đã cố mò tìm giấy bút, và lấy máu ở vết thương mình vẽ chân dung Bác ở giữa, hai bên là cờ Đảng và cờ Nước, phía dưới ghi câu: "Ánh sáng và niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân". Bức tranh này Lê Duy Ứng đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác.
Bức huyết họa thứ tư là của họa sĩ Ngô Quang Nam - nguyên là Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật - Bộ Văn hóa thông tin, con trai của cụ Ngô Đức Tĩnh - cán bộ hoạt động cách mạng bí mật ở Thái Bình, mà nhiều người đều biết đến dòng họ Ngô có công với nước.
Đang tu nghiệp ở Viện Hàn lâm mỹ thuật Praha - Tiệp Khắc, lúc nằm bệnh viện, nghe tin Bác mất, Ngô Quang Nam đã lấy máu ở tay mình vẽ chân dung Bác để ghi tạc nỗi mất mát lớn lao. Phía dưới bức tranh còn viết những dòng thơ đầy tâm huyết của họa sĩ đối với Bác: Chúng con quê ở trăm miền / Dù trong Nam hay ngoài Bắc / Dù xa quê hương hàng vạn dặm / Trong tim vẫn có máu Bác chuyển hồi / Nay Bác đã mất rồi! / Tim chúng con như ngừng đập / Bác ơi!
Họa sĩ Ngô Quang Nam đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức tranh quý giá ấy của mình vào dịp kỷ niệm lần thứ 110 Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu.
Theo Lao động
Thu Hiền (st)
Bác hồ vĩ đại dù mỗi người dân Việt Nam vẽ một bức huyết hoạ cũng không thể bằng 1 phần mà bác đã hy sinh cho đất nước cho dân tộc.
ReplyDeleteCảm ơn Bác- vị Cha già của dân tộc, nhờ ơn Bác mà chúng cháu được sống một cuộc sống hoà bình và tự do! Bác sẽ mãi sống trong lòng người dân Việt Nam!
ReplyDelete