Giá trị nhân văn cao quí trong sự nghiệp văn hoá Hồ Chí Minh

7:58 PM |



GS. SONG THÀNH – Học viện chính trị Hành chính quốc gia
Chủ tịch Hồ Chí Minh được thế giới công nhận là Nhà văn hóa kiệt xuất bằng cả một sự nghiệp văn hóa đồ sộ mà Nguời đã cống hiến cho dân tộc và nhân loại.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh được công nhận là Nhà văn hóa kiệt xuất vì Người đã khởi xướng phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, giải phóng các dân tộc thuộc địa, giành lại độc lập, tự do. Đó không chỉ là một sự nghiệp chính trị phi thường, mà còn là một sự nghiệp văn hóa cao cả.
“Đổi người nô lệ thành người tự do”, phát động lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của một dân tộc phần đông còn mù chữ và thất học vùng dậy đấu tranh giành độc lập, đó là một sự nghiệp gian nan và phi thường, đồng thời cũng là một sự nghiệp văn hóa vĩ đại. Bởi vì, giải phóng con người khỏi thân phận nô lệ, khỏi cái đói, cái rét, cái dốt, là một sự nghiệp văn hóa có ý nghĩa cao cả nhất, đầy đủ nhất, một ước mơ ngàn đời của nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa kiệt xuất vì Người đã sớm thấy vai trò và sức mạnh của văn hóa, đã sớm đưa văn hóa vào chiến lược phát triển của đất nước.
Giành được độc lập rồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng dân tộc mình lên một tầm văn hóa mới. Người đề nghị mở ngay chiến dịch chống giặc dốt. Người coi dốt nát cũng là một thứ giặc, xem thói quen và những truyền thống lạc hậu cũng là một loại kẻ thù. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”… “Chúng ta có nhiệm vụ cấp bách là phải giáo dục lại nhân dân chúng ta… phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập”1
Người phát động phong trào Đời sống mới, xây dựng và phát triển những thuần phong, mỹ tục mới trong nhân dân; mỗi ngành, mỗi giới đều có phong trào riêng của mình. Công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người đã đưa văn hóa đi sâu vào quần chúng, tác động như một sức mạnh vật chất, biến đổi phong hóa, cải tạo con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt cơ sở thế giới quan và phương pháp luận cho việc xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam. Người là kiến trúc sư vĩ đại của công cuộc cải cách và xây dựng nền văn hóa Việt Nam, tạo ra một cách nhìn mới, một thế giới quan mới, tạo lập một ý thức chính trị, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật, ý thức nghệ thuật mới… chưa từng có trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Trên cơ sở đó, Người đã đánh thức các tiềm năng tinh thần truyền thống Việt Nam định hướng cho sự ra đời một nền đạo đức mới, một xã hội nhân cách mới. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xã hội nhân cách – đạo đức ấy được tạo dựng trên cơ sở chủ nghĩa yêu nước chân chính, kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng, theo nhân cách luận của người chiến sĩ cách mạng kiểu mới: trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Sau khi đã lãnh đạo toàn dân giành lại quyền độc lập, tự do cho Tổ quốc, Người đã đưa văn hóa Việt Nam lên vị trí xứng đáng trong nền văn hóa thế giới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Nhà văn hóa kiệt xuất vì bản thân Người là một nhà hoạt động và sáng tạo văn hóa lớn.
Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự kết hợp hài hòa tinh hoa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại, Đông và Tây. Từ nhỏ, Người đã được hấp thụ một nền văn hóa dân tộc và văn hóa phương Đông sâu sắc. Trên đường học tập và nghiên cứu, Người đã từng bước hấp thụ văn hóa nhân đạo và dân chủ của phương Tây, đặc biệt là tinh thần tự do, bình đẳng, bác ái của truyền thống văn hóa cách mạng Pháp. Chính trí tuệ siêu việt, vốn sống thực tế phong phú và vốn văn hóa rộng lớn đã dẫn Người đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, kết tinh thành tựu văn hóa của loài người. Người đã làm chủ được nhiều ngôn ngữ khác nhau, sử dụng một cách thành thạo trong viết văn, viết báo, làm thơ, viết kịch…; khi xuất hiện như một nhà báo phương Tây sành sỏi, khi lại trầm tĩnh, hàm súc như một thi sĩ cổ điển phương Đông. Trải qua mấy chục năm học tập và rèn luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bước vươn lên tầm cao của trí tuệ thời đại, để từ đó vận dụng và phát triển, sáng tạo và đổi mới, đóng góp vào kho tàng văn hóa thế giới những giá trị đặc sắc, in đậm dấu ấn Việt Nam – Hồ Chí Minh.
Bản thân Hồ Chí Minh là nhà thơ, nhà văn, nhà báo cách mạng vĩ đại. Thơ Hồ Chí Minh có bài viết bằng tiếng Việt, có bài viết bằng chữ Hán, song không bài thơ nào vắng bóng con người. Khát vọng tự do, công lý, cơm áo, hòa bình… sự cổ vũ cho cái đẹp và mối quan hệ nhân văn giữa người với người, đó là những nội dung chủ yếu trong thơ Hồ Chí Minh. Vì vậy, những bài thơ ngẫu hứng, sản phẩm của một thời, trong đó không ít bài đã ra đời trong cảnh tù đày, biệt xứ, đã trở thành “thơ của muôn đời”, đã làm “xáo trộn cả tâm hồn nhân loại” bởi những giá trị nhân văn cao quý, tỏa sáng từ một tâm hồn lớn, một nhân cách lớn.
Là một nhà thơ lớn của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng thời là nhà văn lớn, là người mở đầu và đặt nền móng cho nền văn xuôi cách mạng Việt Nam. Người đã tìm tòi và viết nhiều thể loại; tiểu thuyết du ký, truyện viễn tưởng, truyện ngắn, thư từ, ký, kịch, tiểu phẩm, văn chính luận. Ở lĩnh vực nào Người cũng đạt được những thành tựu đặc sắc, đem lại những yếu tố rất mới, rất hiện đại và giữ nguyên giá trị trong sự đổi mới văn học hôm nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là một bậc thầy của báo chí cách mạng Việt Nam. Người rất khiêm tốn, không nhận mình là nhà thơ, nhà văn, chỉ nhận mình là “người có nhiều duyên nợ với báo chí”. Chính Người đã sáng lập và là linh hồn của nhiều tờ báo cách mạng đầu tiên ở nước ta. Những bài báo ngắn gọn của Người đã góp phần thức tỉnh các dân tộc bị áp bức, truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin, lên án chủ nghĩa thực dân, chỉ đạo phong trào cách mạng ở thuộc địa. Tất cả những gì Người viết ra đều là sự phản ánh trung thực, hồn nhiên vẻ đẹp cao quý trong đạo đức, trí tuệ và tâm hồn của một nhân cách lỗi lạc, vì vậy, tất cả đều hiện ra chân thực, giản dị, tự nhiên, vốn là những chuẩn mực tiêu biểu cho cái đẹp – cái hoàn thiện của con người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất bởi Người còn là mẫu mực của tinh thần khoan dung văn hóa. Người nhắc nhở phải giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng không tự bó mình trong chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, thiển cận, mà kêu gọi phải ra sức nghiên cứu, học tập tinh hoa văn hóa của thế giới, xưa và nay. Người trân trọng mọi giá trị văn hóa nhân loại, tôn trọng và chấp nhận những giá trị khác biệt với sự lựa chọn của mình. Người từng thừa nhận mình là học trò của Các Mác, Giê-su, Khổng Tử, Tôn Dật Tiên, vì “các vị ấy đều có điểm chung giống nhau là mưu cầu hạnh phúc cho loài người… Nếu họ còn sống và ở gần nhau, tôi tin họ sẽ chung sống thoải mái với nhau như những người bạn tốt”. Đối với các tôn giáo, Người thành thật tôn trọng đức tin của người có đạo, khẳng định ý tưởng cao đẹp và những giá trị nhân bản của các vị sáng lập ra các tôn giáo đó, không hề bài bác hay phủ định, mà biết khéo hướng lý tưởng của các tôn giáo vào phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc và mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn hóa kiệt xuất vì Người còn là hiện thân rực rỡ của văn hóa hòa bình, của đường lối ngoại giao hòa bình, luôn luôn chủ trương giải quyết mọi tranh chấp, xung đột bằng thương lượng, đối thoại với thái độ hiểu biết và nhân nhượng lẫn nhau.
Tóm lại, có thể khẳng định Nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh đã sáng tạo ra một thời đại mới, một nền văn hóa mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam, cũng là những giá trị đóng góp vào sự phát triển văn hóa thế giới. Nhiều chủ trương văn hóa được Người đề ra rất sớm – từ giữa những năm 40 và 50 của thế kỷ 20, như: xóa mù chữ, trồng cây phủ xanh đồi trọc, cải tạo môi trường sinh thái, yêu mến và kính trọng người già, v.v.. đến đầu những năm 90 đã được Liên hợp quốc đề lên thành những cuộc vận động lớn trên toàn thế giới. Đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một kho tàng đầy của báu, là di sản chứa đựng bao giá trị, giá trị đó, nói cho cùng, là giá trị văn hoá mà chúng ta khai thác chưa được bao nhiêu”2
Sự nghiệp văn hóa Hồ Chí Minh vô cùng phong phú: có văn hóa chính trị, văn hóa đạo đức, văn hóa giao tiếp-ứng xử, văn hóa khoan dung, văn hóa-văn nghệ… Văn hóa Hồ Chí Minh là sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc với những yếu tố tích cực trong văn hóa phương Đông, văn hóa các tôn giáo, văn hóa dân chủ – cách mạng phương Tây, văn hóa mác-xít,… để trở thành văn hóa tiên tiến, mang những giá trị nhân văn sâu sắc, vốn là nội dung cốt lõi của văn hóa nhân loại.
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là văn hóa yêu nước, thương dân, hướng tất cả vào phục vụ sự nghiệp đấu tranh cho độc lập của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân; là văn hóa trọng dân “lấy dân làm gốc”. Với tâm niệm “có dân là có tất cả”, nên Người thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên phải lo “sao cho được lòng dân”, phải phấn đấu trở thành người công bộc trung thành và tận tụy của nhân dân. Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh vượt lên trên mọi sáo ngữ, giáo điều (nói nhiều làm ít, nói hay làm dở), đó là sự chung đúc những giá trị của các học thuyết trị nước tiến bộ mà các bậc anh hùng dân tộc, các minh quân, lương tướng đã theo đuổi trong lịch sử dân tộc và nhân loại. Chính vì thế nó chứa đựng những giá trị nhân văn cao quý.
Văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh là văn hóa hành thiện, cổ vũ làm điều thiện, sống với nhau có tình, có nghĩa, muốn thế phải thực hiện cho tốt 8 chữ vàng : cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư biết kết hợp hài hòa lợi ích chung với lợi ích riêng, sống trung thực, giản dị, khiêm tốn, nói đi đôi với làm, ít lòng ham muốn về vật chất… nhờ đó mà có thể “sống oanh liệt, chết vẻ vang”.
Tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chính là hiện thân sinh động của văn hóa đạo đức Hồ Chí Minh. Như một người từng đối đầu với Hồ Chí Minh – tướng Vanluy thừa nhận: “Hoàn toàn xả thân vì nhiệm vụ, không một chút lợi riêng tư, dưới con mắt những người chung quanh và những người đối thoại, Hồ Chí Minh là một người vô cùng đức độ”3. Thắng lợi của cách mạng, vinh quang của quyền lực, hay danh vọng của cá nhân không thể nào làm lu mờ tấm gương đạo đức của Người. Vì vậy, trong thế giới của những người cầm quyền, hình ảnh Hồ Chí Minh lại càng nổi bật hơn bao giờ hết.
Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh, nói rộng ra là phương châm xử thế, Hồ Chí Minh luôn luôn là người trung hậu, thủy chung với nhân dân, với đồng chí, đồng bào và với bạn bè quốc tế: Người thấy rừng và thấy cả từng cây, không bỏ sót một ai cả, không quên bất cứ một nghĩa cử nào, dù nhỏ, đã từng ủng hộ, giúp đỡ cách mạng Việt Nam; nhưng Hồ Chí Minh lại không bao giờ nhắc đến người cũ, chuyện cũ đã từng có lúc đối xử không đúng với Người; nếu có ai nhắc đến Người cũng gạt đi. Văn hóa ứng xử Hồ Chí Minh cực kỳ tinh tế, uyển chuyển, có lý có tình, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp.
Ứng xử văn hóa của Hồ Chí Minh đã tranh thủ được trái tim, khối óc của bạn bè năm châu, làm cho kẻ thù cũng phải khâm phục.
Văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh là kết tinh truyền thống nhân ái, độ lượng Việt Nam và cũng là nét đặc trưng của văn hóa hòa bình trong thời đại ngày nay. Người nói: “Dân tộc ta là một dân tộc giàu lòng đồng tình và bác ái”. Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển những giá trị khoan dung của dân tộc và nhân loại, nâng lên thành một chất lượng mới, ở một tầm cao mới.
Là người cộng sản, Hồ Chí Minh có thái độ tôn trọng, không bao giờ tỏ ra kỳ thị, bài bác mà luôn luôn có ý thức khai thác, vận dụng những yếu tố tích cực của các học thuyết chính trị và tôn giáo như Nho, Phật, Lão, Thiện chúa giáo… vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.
Khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh được xây dựng trên cơ sở chữ “nhân” nhưng là một chữ nhân sáng suốt, có nguyên tắc, lấy công lý, chính nghĩa là nền tảng, chủ trương giải quyết những vấn đề dân tộc và quốc tế trên cơ sở “có lý, có tình”.
Khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh là thái độ trân trọng đối với mọi giá trị văn hóa nhân loại, là không ngừng rộng mở, thâu hóa những yếu tố tích cực, tiến bộ và nhân văn của loài người để làm giàu cho văn hóa Việt Nam. Khoan dung văn hóa Hồ Chí Minh là chấp nhận giao lưu và đối thoại bình đẳng về giá trị để đạt tới cái chung, cái nhân loại, để cùng tồn tại và phát triển. Trong khi chống thực dân Pháp xâm lược, Người vấn đề cao văn hóa Pháp. Trong khi chống đế quốc Mỹ, Người vẫn ca ngợi truyền thống văn hóa dân chủ và cách mạng Mỹ.
Nói về văn hóa khoan dung Hồ Chí Minh, nhà báo Mỹ Đ.Han-bơ-xtam đã thừa nhận: “Cụ Hồ đã làm được một điều đáng chú ý: biết dùng tới văn hóa và tâm hồn kẻ thù để chiến thắng”4.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc Việt Nam một di sản văn hóa cao đẹp và phong phú, trong đó không thể nhắctới những tư tưởng chỉ đạo của Người về xây dựng một nền văn hóa mới: dân tộc, khoa học và nhân văn, một nền văn hóa “lấy hạnh phúc của đồng bào, của dân tộc làm cơ sở”, “làm cho ai cũng có lý tưởng, độc lập, tự chủ”, “văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa xa xỉ”, “văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”5… Những phương châm đó vẫn giữ nguyên giá trị chỉ đạo đối với việc xây dựng nền văn hóa dân tộc, cho hôm nay và cả mai sau.
Khẳng định những giá trị nhân văn cao quý trong sự nghiệp văn hóa và con người Hồ Chí Minh, nhà báo G.La-cu-tuya – người được coi là một nhà viết tiểu sử Hồ Chí Minh hay nhất ở phương Tây, đã viết : “Đó là một tấm trí minh mẫn, ít ham thích bạo lực, một thái độ rất độc đáo về quan hệ giữa người với người, một trình độ văn hóa tự học khá rộng nhưng rất thông hiểu, một tinh thần hài hước, trong đó bám rễ vào các tập quán châu Á luôn luôn kết hợp với những ảnh hưởng phương Tây, một tinh thần thanh bạch, một sự khắc khổ tự nhiên được ý chí làm cho vững chắc thêm lên, một nghị lực có một không hai. Vâng, tất cả những nét đó trở thành bí quyết của Cụ Hồ trước những thử thách của đời sống xã hội”6.
Đúng như G.La-cu-tuya đã dự báo, tư tưởng và sự nghiệp văn hóa của Hồ Chí Minh đã vượt qua những thử thách khắc nghiệp của lịch sử và vẫn đang tiếp tục tỏa sáng, đặc biệt là ở vào thời điểm hiện nay, trong một thế giới đang biến động và đầy lo âu: khi mà sự sa sút về đạo đức, sự phản trắc, lừa đảo, hãm hại lẫn nhau… đang có nguy cơ tăng lên; khi mà hình ảnh của một số lãnh tụ cầm quyền ở nơi này, nơi khác đang bị phê phán và hạ bệ, thì hình ảnh Hồ Chí Minh lại càng nổi bật lên trước con mắt của nhân loại hơn bao giờ hết.
Một nhà báo Vê-nê-xu-ê-la đã viết rất thuyết phục: “Bộ máy tuyên truyền của đế quốc và các thế lực phản động đã rất nổi tiếng trong nghệ thuật vu khống xấu xa, hòng làm mất uy tín những địch thủ của họ. Họ đã chi tiêu rất nhiều tiền hòng bôi nhọ trước dư luận quốc tế đối với những ai, bằng cách này hay cách khác chống lại sự thống trị của họ… Tất cả những lãnh tụ cộng sản nổi tiếng trên thế giới đều được các hãng thông tấn của họ dán cho những “nhãn hiệu” như là những kẻ cướp hoặc khủng bố đáng tội treo cổ! Duy chỉ có Bác Hồ, do tấm gương cuộc đời và đạo đức của Người, đã làm cho những kẻ chuyên nghề vu cáo phải kính nể”7.
——————————————————————————-
1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tâp4, tr8.
2 Phạm Văn Đồng: Văn hóa và đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, H.1994, tr 126.
3 Valluy: Tình bạn thủy chung, Planète Action, tháng 3/1970, H. 1994,tr.38.
4 Xem Davud Halberstam: Ho, Random, Neu York, 1970
5 Hồ Chí Minh : về công tác văn hóa, văn hgệ, Nxb Sự thật, H.1970, tr. 70-71.
6 G. La-cu-tuya: Ho Chi Minh, Ed. Seuuil, Paris, 1967
7 Hê-rô-mi-ô: Ho Chi Minh- nhân vật kiệt xuất của toàn nhân loại, báo Diễn đàn nhân dân của Vê-nê-xu-ê-la, số 775, ra ngày 19/5/1990.
Read more…

Tích hợp và tự sinh trong văn hóa Hồ Chí Minh

7:56 PM |

Tích hợp và tự sinh trong văn hóa Hồ Chí Minh

Phan Công Khanh
Tạp chí Khoa học xã hội
Nhân loại không thiếu những anh hùng dân tộc, những đanh nhân văn hóa có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với sự phát triển của đất nước họ, sự vận động chung của lịch sử nhân loại. Hồ Chí Minh là hiện thân của nhiều giá trị, đặc sắc về tính dân tộc nhưng vẫn bao hàm những yếu tố phổ quát của nhân loại.
Trên thực tế, văn hóa Hồ Chí Minh với tư cách là một khái niệm tổng thể nhằm chỉ những giá trị tốt đẹp toát ra từ toàn bộ cuộc đời và nhân cách vĩ đại của Hồ Chí Minh đã trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều người.
Văn hóa Hồ Chí Minh trước hết là văn hóa của sự tích hợp. Cái “không phải văn hóa Châu Âu tỏa ra từ Nguyễn Ái Quốc mà Ôxíp Manđenxtam nhận ra từ năm 1923 đã cho thấy sự tích hợp đó. Dự cảm của nhà thơ Xô Viết này đã mặc nhiên thừa nhận “nền văn hóa tương lai” tỏa ra từ Nguyễn Ái Quốc là một sự tích hợp, trong đó có văn hóa Châu Âu. Đứng về phía Manđenxtam có cả những người Mỹ: “Hồ Chí Minh là một trong số các nhân vật lạ lùng nhất của thời đại chúng ta – pha trộn một chút Găngđi một chút Lênin, hoàn toàn Việt Nam.
Chắc chắn là hơn bất cứ nhân vật nào của thế kỷ này. Người là hiện thân sinh động cho cách mạng của dân tộc Người và của toàn thế giới. Sự tích hợp này có lý do. Đường như hiclm có nhà cách mạng nào mà cuộc đời hoạt động phong phú như Hồ Chí Minh: từ thời thanh niên đã đi khắp các châu lục, làm nhiều nghề khác nhau, biết nhiều thứ tiếng, hoạt động xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, từng nếm cảnh tù đày và nhiều lần suýt nguy hiểm đến tính mạng, hơn hai trăm tên gọi, bí danh và bút danh khác nhau… Hồ Chí Minh rất có ý thức về sự tích hợp đó. Người tìm đường đến Pháp chứ không phải đến một nước Châu Á như không ít nhà cách mạng tiền bối, Người gửi đơn cho Tổng thống Pháp xin học bổng nội trú tại trường thuộc địa, từng học lớp nghiên cứu sinh ở Moscow nhưng đột ngột bỏ dở việc viết luận án, rời nước Nga trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người từng viết: “Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam… có tinh thần thuần túy Việt Nam hợp với tinh thần dân chủ” (Báo Cứu Quốc, 1946). Có ý thức tích hợp, Hồ Chí Minh cũng là người có khả năng tích hợp. Đấy là khả năng của một trí tuệ siêu việt và một bản lĩnh phi thường biết tìm ra những yếu tố cốt lõi nhất của những dòng tư tưởng thời đại để dung hòa. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc nhiều khả năng tích hợp. Khả năng này rất mạnh mẽ ở những quốc gia bé nhỏ về diện tích và dân số Thái độ tự tôn dân tộc của những quốc gia hùng mạnh có thể là rào cản tinh thần cho sự tích hợp ở những bước chuyển lịch sử. Để có thể tồn tại trong quan hệ với các quốc gia hùng mạnh về quân sự và kinh tế những đất nước nhỏ bé phải biết tích hợp.
Trong quan hệ với Trung Hoa và Ấn Độ, người Việt Nam đã phải phát huy khả năng tích hợp của mình để tồn tại và phát triển. Tìm đường cứu nước, đến với phương Tây hùng mạnh nhưng Hồ Chí Minh không hề lãng quên phương Đông. Người quan niệm: “Học thuyết Khổng tử có cái hay là sự tu dưỡng đạo đức, tôn giáo Giê-xu có cái hay là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có cái hay là phương pháp biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có cái hay là chính sách của nó phù hợp với điều kiện nước chúng tôi”. Và Hồ Chí Minh kết luận: “Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ”. Cũng với tinh thần tích hợp ấy mà Hồ Chí Minh chỉ ra rằng phải “xem xét lại chủ nghĩa Mác về cơ sở lịch sử của nó, củng cố nó bằng dân tộc học phương Dông ” (Hồ Chí Minh, 1 995 , tập 1, tr. 467). Hồ Chí Minh nhận ra và kiên trì quan điểm “chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước” (Hồ Chí Minh, 1995, tập 1, tr. 465), Năm 1921, Stalin cho rằng trong khi tự giải phóng, các dân tộc tiên tiến có sứ mạng giải phóng các dân tộc lạc hậu thì Hồ Chí Minh khẳng định hàng trăm triệu người dân ở các nước thuộc địa Châu Á là một lực lượng khổng lồ, “trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn” (Hồ Chí Minh, 1 995, tập 1 , tr. 36).
Tích hợp văn hóa để làm cách mạng, Hồ Chí Minh đấu tranh cho tất cả những dân tộc bị áp bức trên thế giới. Khi tuyên bố độc lập cho dân tộc mình, Người dẫn Tuyên ngôn lập quốc Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp để “suy rộng ra tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do” (Hồ Chí Minh, 2002, tập 4, tr. 1). Ở đây, ngoài yêu cầu chặt chẽ về lập luận và tính thuyết phục, trích dẫn còn cho thấy trong khi quan tâm đến những giá trị dân tộc Hồ Chí Minh luôn tìm ra những nét tương đồng mang tính phổ quát, từ dân tộc nhận ra nhân loại và từ nhân loại quay trở về dân tộc. Vì vậy, văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa của đức khoan dung, đại độ: “Trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt đều là máu” (Hồ Chí Minh, 2002, tập 4, tr. 330). Đối thoại với người Pháp, Hồ Chí Minh hay nói đến bình đẳng, tự do, bác ái. Nhà nghiên cứu người Mỹ Halberstam từng nhận xét: Hồ Chí Minh “dùng tới văn hóa và tâm hồn của kẻ địch để chiến thắng ” (Hồ Chí Minh, 2002, tập 4, tr. 350).
Như bất cứ hiện tượng văn hóa nào, văn hóa Hồ Chí Minh có khả năng tự sinh và khả năng tự sinh của văn hóa Hồ Chí Minh là rất mạnh mẽ. Hồ Chí Minh đã tự học và trở thành danh nhân văn hóa, tự rèn luyện trong thực tiễn đấu tranh cách mạng và trở thành anh hùng giải phóng dân tộc. Cuộc đời Hồ Chí Minh là một tấm gương lớn về tự học, tự phấn đấu, tự rèn luyện. Một nhà báo châu Đại Dương từng nói: “người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh, nhưng ở Cụ Hồ mỗi người có thể học một số điều gì làm cho mình trở thành tết hơn ” (Trần Văn Giàu, tr. 46). Quan tâm thật nhiều đến đạo đức, nhân cách là điểm đặc sắc, nổi bật nhất của văn hóa Hồ Chí Minh. Nói như Trần Văn Giàu, đây là điều khiến Hồ Chí Minh phân biệt với hầu hết các nhà lãnh đạo cách mạng khác. Bản thân các tín điều đạo đức đã là những giá trị tự sinh. Đạo đức là một quan hệ. Sống có đạo đức là để sống với nước khác, cho người khác và để cảm hóa người khác. Hồ Chí Minh yêu thương không chỉ những con dân Việt Nam mà tất cả “mọi kiếp người”. Hơn nữa, khả năng tự sinh của đạo đức Hồ Chí Minh còn có cội nguồn ở chỗ Hồ Chí Minh là một nhân cách, một tấm gương đạo đức vô song, nói đi đôi với làm, nói về đạo đức gắn liền với thực hành đạo đức nói ít làm nhiều. Lối sống, ứng xử của Hồ Chí Minh như sự minh họa tự nhiên nhi nhiên cho những chỉ dạy của Hồ Chí Minh về đạo đức. Hồ Chí Minh khuyên cán bộ đảng viên phải cần kiệm liêm chính thì bản thân Người là một tấm gương tuyệt vời về cần kiệm liêm chính. Vì vậy mà Hồ Chí Minh có thể cảm hóa nhiều người, kể cả những kẻ cố tình đày đọa Người và dân tộc của Người. Một học giả nước ngoài đã viết về Người: “Cụ Hồ là người xây dựng lương tri, xây dựng khi nó thiếu, tái tạo khi nó mất. Cụ thức tỉnh kẻ mê, ân cần đỡ dậy người trượt ngã, biến vạn ức người bình thường thành anh hùng vô danh và hữu danh trong lao động, trên chiến trường, trong ngục tối, trước máy chém” (1995, tr.290).
Rất dễ nhận ra khả năng tự sinh của văn hóa Hồ Chí Minh khi tên của Người đã trở thành định ngữ cho nhiều thực thể xã hội: bộ đội cụ Hồ, giấy bạc cụ Hồ, đường mòn Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ… trong đó có những tên gọi do chính người dân nghĩ ra một cách tự nhiên với nhiều niềm tin gởi gắm vào đó. Và trên tất cả là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của những vinh quang chói lọi của Tổ quốc gắn liền với thiên tài nhiều mặt và sự hy sinh tận tụy của Người.
Tích hợp và tự sinh trong văn hóa Hồ Chí Minh là thống nhất nhau. Sự tích hợp đem đến khả năng tự sinh và tự sinh càng nhân lên sự tích hợp. Sự thống nhất này cũng giống như sự thống nhất của hai vĩ nhân trong Hồ Chí Minh: danh nhân văn hóa và anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân – văn hóa là tích hợp và anh hùng giải phóng dân tộc là tự sinh. Trong kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh đề xướng khẩu hiệu: “Văn hóa hóa kháng chiến và “Kháng chiến hóa văn hóa “. Nếu làm một phép so sánh thì văn hóa là tích hợp, kháng chiến là tự sinh. Hồ Chí Minh đã tích hợp văn hóa Đông Tây để tìm ra con đường tự sinh cho dân tộc trong thế kỷ XX và sự tự sinh ấy càng làm giàu có thêm tính tích hợp của dân tộc trên con đường giành lấy độc lập và thoát khỏi đói nghèo.
Khả năng tích hợp và tự sinh làm nên ý nghĩa và chức năng giáo dục của văn hóa. Hồ Chí Minh từng viết: “Phải làm sao cho văn hóa vào sâu trong tâm lý quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ”. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đánh giá và luôn mong muốn “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong Di chúc, điều Người đề cập trước tiên là Đảng: “Trước hết nói về Đảng…”. Người mong muốn “mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Hồ Chí Minh, 2002, tập 12, tr. 510). Dây có thể được xem là những khái quát về văn hóa của người đảng viên và văn hóa Đảng. Để “Bảo đảm sự gắn kết giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng chỉnh đốn Đảng là then chốt với không ngừng nâng cao văn hỏa – nền tảng tinh thần của xã hội ” (Thông tin Văn hóa và phát triển, 2004, tr. 4) cần phải làm cho văn hóa Hồ Chí Minh thấm nhuần trong mỗi đảng viên và trở thành văn hóa Đảng.
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội
Read more…

GS.TS MẠCH QUANG THẮNG: Hồ Chí Minh – sự tiếp biến văn hóa

7:52 PM |

Hồ Chí Minh – sự tiếp biến văn hóa

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một phần văn hoá Pháp tràn vào Việt Nam theo gót chân của những kẻ đi xâm lược đội lốt chiều bài với những từ ngữ mỹ miều là “sự khai hoá văn minh”. Trong thử thách của sự phát triển, cái linh đơn văn hoá Việt Nam vẫn còn, nhưng có nguy cơ dần mất đi cái vẻ huyền diệu đắc dụng của nó và có nguy cơ bị mai một, bị lai căng.
Văn hoá Pháp vào Việt Nam một cách xô bồ, có tốt và gây ra cũng không ít điều xấu. Điều tốt thì đó là những công trình mà Pháp dựng nên trên đất Việt Nam để phục vụ cho sự cai trị. Đó là những nhà cửa, đường sá, cầu cống, là kỹ nghệ…Đó là những trường học, tuy còn ít ỏi, nhưng là trường tây, theo văn hoá tây. Đó là cuộc sống có phần văn minh của phương Tây mà đến đầu thế kỷ XX, các nhà trí thức khai sáng của Việt Nam trong đó có Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, v.v. bắt đầu áp dụng và mở cuộc vận động duy tân khá lớn và thành công không nhỏ. Chữ Hán được thay bằng quốc ngữ. Những cái đầu quấn tóc búi tó, những quần ống sớ, guốc mộc…đã nhường chỗ khá nhiều cho tóc ngắn, cho bộ đồ Âu complê thắt caravát, cho giầy đen, cho nhảy đầm, uống cà phê, hút thuốc lá thơm, cho lối sống văn minh bài trừ mê tín dị đoan, v.v. Một văn hoá ngoại lai cuốn vào chốn thuộc địa mà thuộc địa này vẫn đậm cốt cách phong kiến trong từng hang cùng ngõ hẻm. Và đương nhiên nó cũng sinh ra nhiều cái xấu, bởi không thể khác được do nó đi sau gót thực dân, mang theo cả những cặn bã ở “chính quốc” sang Việt Nam, nó khuyếch đại và nhân lên và phổ vào những cái cổ hủ xưa của phong kiến.
Hồ Chí Minh sống trong cái khung thời gian mà sự biến thiên về văn hoá của Việt Nam có những giai đoạn mạnh mẽ nhất. Riêng về giáo dục thôi thì cũng thấy đầu thế kỷ XX, Việt Nam có xen lẫn vào ba nền giáo dục: nền giáo dục Hán học đã lỗi thời nhưng vẫn còn đất sống; nền giáo dục Tây học mang nặng lối thực dân nô dịch, chỉ dành cho một số người; nền giáo dục quốc ngữ tuy còn èo ọt nhưng đang lên. Ba nền giáo dục này giao thoa nhau. Ở trong con người Hồ Chí Minh, và nhiều người khác cùng thời, có cả ba sắc thái biểu hiện của ba nền giáo dục ấy, tuy mỗi người biểu hiện đậm nhạt khác nhau. Hồ Chí Minh đóng góp phần lớn vào sự chuyển biến tích cực cho sự biến thiên đó của văn hoá Việt Nam.
Nếu đứng về địa lý mà xét thì Việt Nam là một quốc gia-dân tộc nằm trong luồng giao lưu tự nhiên, ồ ạt về văn hoá của thế giới. Trong luồng giao lưu ấy, Việt Nam là một quốc gia có đồng thời cả hai chiều thuận-nghịch trong quá trình biến đổi về văn hoá.
Chiều thứ nhất, chiều thuận, biểu hiện ở chỗ, Việt Nam là một quốc gia-dân tộc có nhiều sự biến đổi khá nhanh chóng. Chẳng hạn, đó là quá trình thích ứng, tiếp thu tương đối nhanh những mặt tốt của các luồng tư tưởng thế giới, đặc biệt là của phương Đông, vào Việt Nam khá sớm. Khi vào Việt Nam, chúng được sàng lọc một cách tự nhiên qua lăng kính của giới cầm quyền và của nhân dân. Chúng được biến thiên qua cách nhìn của quan lại, của nhân dân trong cuộc sống. Điển hình là Tống Nho vào Việt Nam thích ứng với nhà nước quân chủ trung ương tập quyền mạnh của triều Lý, Trần, Lê. Đã sản sinh ra các nhà nho tiến bộ hẳn so với chính thống. Còn đạo Phật khi vào Việt Nam cũng đã trầm qua cái tâm của cư dân người Việt, vùng văn minh lúa nước, nó phát triển cực thịnh vào thời Lý, Trần.
Một quốc gia Đại Việt (tôi xin được gọi chung cho các triều đại phong kiến Việt Nam) luôn được mở mang bờ cõi xuống phía nam, cương vực của nó đến cuối thế kỷ XVIII về cơ bản được như hiện nay. Và văn hoá, theo chiều rộng của cương vực, cũng do đấy mà được phong phú thêm, đa dạng thêm. Đất nước Việt Nam đã bắt đầu chuyển dịch ý thức hệ đầu thế kỷ XX, trong đó có việc chuyển sang hệ tư tưởng Mác – Lênin. Tôi muốn nhấn mạnh điều này là ở chỗ, Việt Nam là nước thuộc địa, phong kiến, cho nên sự chuyển dịch này không dễ dàng, nó đòi hỏi chuyển cả các thế hệ con người, khi các giai cấp, tầng lớp trong xã hội phân hoá một cách chưa thực sự mạnh và khi nhà cầm quyền thực dân-phong kiến tìm mọi cách ngăn cản.
Chiều thứ hai, chiều nghịch, biểu hiện ở chỗ, Việt Nam là một quốc gia-dân tộc trong lịch sử trung đại và cận-hiện đại ít có biến đổi hoặc biến đổi chậm so với luồng chảy chung của trên thế giới. Chế độ phong kiến ngự trị hàng nghìn năm. Nó như giấc ngủ dài. Phong kiến Trung Hoa đã ngủ quên lâu, nhưng phong kiến Việt Nam còn ngủ kỹ hơn, mặc cho sự biến chuyển trên thế giới đã mạnh mẽ bắt đầu từ thế kỷ XVI. Khi nước Pháp làm cuộc Đại Cách mạng tư sản nổi tiếng vào năm 1789 phá ngục Bastille, tiến công vào dinh luỹ của chế độ phong kiến để mở đường phát triển sau những đêm dài trung cổ thì ở Việt Nam, Quang Trung Nguyễn Huệ của đất Tây Sơn mới đánh đổ quân xâm lược Thanh để xây đại nghiệp. Mà đại nghiệp của quân Tây Sơn lại là vẫn tiếp nối một triều đại phong kiến mới, chứ không phải là chế độ mới, một phương thức sản xuất mới. Chênh nhau hàng thế kỷ. Việt Nam lúc này chưa chủ động hoặc chưa đủ điều kiện mở cánh cửa ọp ẹp để đi ra thế giới hoặc là để thế giới đi vào Việt Nam.
Trong lúc Việt Nam đang guồng chân để tiến nhanh hơn thì thế giới đã bỏ khá xa chúng ta. Nguy cơ Việt Nam bị tụt hậu xa hơn về phát triển kinh tế so với nhiều nước trên thế giới và khu vực, nếu xét nguy cơ là cái điều có khả năng đến, thì nó không còn là nguy cơ nữa mà là sự thực rồi. Khoa học và công nghệ thường là kỵ với nền nông nghiệp phong kiến cổ truyền. Nông dân – nông nghiệp – nông thôn, phương thức sản xuất châu Á…vẫn là nơi ít nhúc nhích nhất ở Việt Nam, nơi làm ra cái ăn nhưng bi kịch chính là ở đó: xã hội phải dành cho nó lực lượng lao động nhiều nhất nhưng có lúc vẫn cứ bị đói. Nhà cầm quyền (Triều Nguyễn) lại muốn kìm hãm. Ông vua Tự Đức cầm quyền khá lâu ở Triều Nguyễn là ông vua hay chữ, làm thơ, muốn yên phận nhưng nào có được như vậy, dẫn đến bạc nhược trước “oai hùng” của chủ nghĩa tư bản Pháp, không tích cực tìm cách gỡ bí trong bang giao, thử thách của cái mới thời cuộc. Những canh tân, những ý tưởng, những tờ sớ nặng lòng đưa đất nước thoát ra khỏi thế bí, tiếp nhận luồng tư tưởng nhập cuộc chơi với thế giới, tiếp nhận khoa học-kỹ thuật…đều bị chế độ phong kiến chối bỏ. Tất cả mọi tinh lực canh tân bị chìm trong cái biển nông dân muôn năm cũ.
Trong cả hai cái chiều hướng đó, Việt Nam bị nặng hơn cái chiều thứ hai. Nói thế để thấy, không phải Việt Nam không nhúc nhích, mà vẫn đi lên, nhưng bước đi nặng nề, chậm chạp, đầy do dự, dùng dằng, ngắc ngứ.
Đó là bức tranh giản lược cái thử thách văn hoá của dân tộc Việt Nam mà Hồ Chí Minh sống. Và Hồ Chí Minh đi tìm con đường cứu nước, đưa đất nước Việt Nam phát triển để “sánh vai với các cường quốc năm châu” (chữ mà Hồ Chí Minh hay dùng) cũng là là làm cách mạng, mở đường cho văn hoá Việt Nam mới phát triển, để rồi văn hoá đó soi đường cho quốc dân đi.
Sự tiếp biến văn hoá của Hồ Chí Minh biểu hiện bằng quá trình tiếp nhận tinh hoa văn hoá dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hoá nhân loại; kết hợp văn hoá phương Đông với văn hoá phương Tây để trở về với văn hoá dân tộc. Đó chính là hành trình văn hoá Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh tiếp nhận những gì là tinh túy của văn hoá dân tộc Việt Nam, trong đó tinh túy nhất trong những cái tinh túy là chủ nghĩa yêu nước. Một mặt, những giá trị văn hoá Việt Nam tự nhiên truyền chảy, thẩm thấu vào Hồ Chí Minh; mặt khác Hồ Chí Minh chủ động, tích cực tiếp nhận nó. Các nhà nghiên cứu văn hoá Việt Nam thường hay đề cập những giá trị của văn hoá Việt Nam, có những giá trị mà ở nhiều nước trên thế giới cũng có chứ không riêng gì ở Việt Nam. Chẳng hạn, yêu nước. Nhưng đây là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, nó có sắc thái riêng. Chẳng hạn, lòng nhân ái. Nhưng đây là lòng nhân ái mang sắc thái của con người, của cộng đồng người Việt Nam. Hồ Chí Minh được sinh ra từ nền văn hoá Việt Nam, trong đó có tiếp nhận từ truyền thống văn hoá quê hương, gia đình, có mở rộng tầm nhìn ra các vùng miền khác, đặc biệt là văn hoá kinh đô Huế và Sài Gòn – Gia Định. Hồ Chí Minh không bó hẹp trong một địa bàn quốc gia-dân tộc mà còn tự giác dấn thân vào môi trường quốc tế rộng lớn, tự mình bươn trải trong 30 năm sống ở ngoài nước.
Đất Nghệ Tĩnh, sông Lam núi Hồng, địa linh nhân kiệt, có luồng văn hoá đặc sắc mà Hồ Chí Minh đã tắm gội từ ấu thơ, có giá trị lớn tới cơ sở của cái chất văn hoá làm nên nhà văn hoá Hồ Chí Minh. Ở nơi ấy ra đi, tức là nói đến quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn, tôi thấy thật khó lý giải cho cái “bệ phóng” đó của sự thăng tiến trong đời một con người. Với mảnh đất ấy, nguồn nước ấy, hai làng khác nhau, cách nhau chỉ một con mương nhỏ, thì hai cộng đồng người đã có hai âm ngữ rất khác nhau rồi. Lại nữa, tôi thấy ở Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu, Nghệ An) chẳng hạn, một làng nổi tiếng trong cả nước về con người học hành, đỗ đạt, có không ít danh nhân, thì hầu như chỉ những người nào sinh ra, có tuổi ấu thơ ở đó rồi ra khỏi cái cống đá đầu làng để đi sinh sống, lập nghiệp nơi khác thì mới có cơ phát triển, thành đạt. Còn không, nếu vẫn ở làng thì khó mà phát, tiến.
Hồ Chí Minh ở vùng Nam Đàn, Nghệ An, sinh ra ở đất “linh”, ở trong mộtgia đình văn hoá. Một đơn vị văn hoá gia đình của Hồ Chí Minh trong cái vùng văn hoá này đã hun đúc nên văn hoá Hồ Chí Minh. Có lẽ Hồ Chí Minh cũng đã tiếp thu một cách nào đó cái bướng bỉnh, khí khái của cha mình, một nhân vật tôi cho cũng là cái vết tích của ông đồ Nho xứ Nghệ. Cụ Nguyễn Sinh Sắc mạnh ở mặt thương người, nhân ái, ở tính khảng khái, ở cái chí lớn, ở cái cách giáo dục cho con cái, ở cái quan niệm thức thời của Cụ trong buổi giao thời văn hoá Đông-Tây, giữa cái cổ và cái kim. Cụ là cái gạch nối của thời cuộc. Rồi Hồ Chí Minh đi tiếp cái gạch nối ấy, lân sang cái hiện đại từ cái nền văn hoá cổ-trung-cận đại đầy biến động. Hồ Chí Minh tiếp nhận cái tinh túy văn hoá điển hình người phụ nữ Việt Nam chung thủy, đảm đang, hết lòng vì chồng con từ người mẹ thân yêu nhưng mất sớm. Hồ Chí Minh là một thành viên hoà đồng với chị và anh của mình làm thành cái đơn vị văn hoá gia đình đẹp đẽ của mình.
Từ trong đất nước, Hồ Chí Minh còn tiếp thu nền văn hoá Pháp và phương Tây qua trang sách học đường. Và đã sớm có ý định đằm mình trong đó bằng cách xuất dương với hai bàn tay và khối óc của mình, bằng lao động để kiếm sống, để học trong đường đời. Hồ Chí Minh cũng được tiếp thu văn hoá phương Đông qua Nho giáo, Phật giáo, Lão giáo. Hồ Chí Minh không phải là con số cộng các nền văn hoá dân tộc và thế giới mà là có sự tổng hoà, đúc kết hình thành làm một để kiến tạo tư chất nhà văn hoá. Hồ Chí Minh còn tiếp thu cái nhân lõi của lý luận Mác – Lênin là chủ nghĩa nhân đạo, là sự dấn thân cho sự nghiệp cao cả nhất trong đời mình với tư cách là sứ giả văn hoá của nhân loại: đấu tranh giải phóng con người. Hồ Chí Minh có quan niệm rằng, nếu hiểu chủ nghĩa Mác – Lênin mà sống không có tình có nghĩa thì sao hiểu được chủ nghĩa Mác – Lênin. Sắc thái văn hoá như thế tuyệt nhiên không phải là một thứ lai căng, không phải thập cẩm, không phải như thứ xalát trộn lẫn. Tôi nhớ mang máng ai đó, hình như là một học giả người Đức, bà Mêlen thì phải, năm 1966 có nhận xét rằng, Hồ Chí Minh là hình ảnh hoàn chỉnh của đạo Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học của C. Mác, tinh thần cách mạng của V. I. Lênin và tình cảm của một người chủ gia tộc. Tất cả đều hoà hợp trong một dáng dấp rất tự nhiên. Còn Nêru của Ấn Độ thì nói: Được tiếp xúc với Hồ Chí Minh, tôi như được gặp một mảng lịch sử của nhân loại.
Hồ Chí Minh còn là một chủ thể sáng tạo văn hoá, văn hoá theo nghĩa hẹp. Hồ Chí Minh là một nghệ sĩ đích thực với tư cách là nhà thơ, viết văn, nhà phê bình văn nghệ, v.v.
Hồ Chí Minh là một nhân tố quan trọng nhất và tác động mạnh mẽ nhất cho quá trình giao lưu văn hoá giữa Việt Nam và thế giới của thế kỷ XX. Giao lưu văn hoá là điều tất yếu, là quy luật vận động và phát triển của nhân loại. Nó là một quá trình thường xuyên, diễn ra một cách tự nhiên, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của giới cầm quyền. Dù có đóng cửa, dù có bế quan toả cảng như thế nào đi chăng nữa, nhưng quá trình giao lưu văn hoá vẫn cứ diễn ra, vấn đề là ở chỗ nó diễn ra như thế nào mà thôi.
Quá trình giao lưu văn hoá là quá trình tiếp nhận những giá trị văn hoá tốt đẹp của nhau, làm giàu thêm văn hoá của bản địa và từ đó mỗi một dân tộc có đóng góp tích cực chung vào kho tàng văn hoá của nhân loại. Tình trạng đóng cửa của triều đình nhà Nguyễn, thái độ cực đoan trong chính sách thực dân của Pháp ở Việt Nam đã làm chậm quá trình giao lưu văn hoá của Việt Nam với thế giới. Ngay cả phong trào duy tân (đổi mới), những cải cách, những làn gió mới thổi vào xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX đã làm nên cuộc cách mạng thật sự trong đời sống văn hoá của Việt Nam nhưng chính quyền phong kiến Việt Nam cũng không ưng. Không ưng bởi vì những cải cách đó trên thực tế đã nã những viên đại bác vào thành luỹ của chế độ phong kiến, làm xói mòn những giá trị của chế độ hiện hành. Chính quyền thực dân Pháp lẽ ra phải ưng thuận và ủng hộ cho những cải cách về văn hoá duy tân, phải ủng hộ cho quá trình vùng lên mạnh mẽ đầu thế kỷ XX phong trào học chữ quốc ngữ, phong trào vận động đời sống mới, phong trào chấn hưng thực nghiệp. Nhưng, chính quyền thực dân Pháp lại cũng không ưng, vì những cải cách đó cổ vũ tinh thần yêu nước. Với con mắt cực đoan, bảo thủ cho nên thực dân Pháp lo sợ các phong trào duy tân dẫn tới việc đấu tranh chống lại ngay bản thân thực dân Pháp, tác động không tốt tới sự cai trị của chủ nghĩa thực dân Pháp ở Việt Nam. Âm binh đã được triệu lên, và những âm binh này quay lại tiến công trực diện vào chế độ thực dân-phong kiến. Thế cho nên mới dẫn đến việc các yếu nhân của phong trào duy tân cũng bị thực dân Pháp đàn áp, bắt bớ, cấm chỉ hoạt động. Chính đây là một trong những biểu hiện của sự bóp nghẹt về văn hoá trong quá trình cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn chú trọng làm cho đất nước Việt Nam tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hoá của các nền văn hoá thế giới. Hồ Chí Minh không phải là con người theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi mà là một con người có ý thức chủ động, tích cực tiếp nhận văn hoá của nước khác. Hồ Chí Minh yêu mến văn hoá Pháp, yêu mến văn hoá Mỹ trong khi thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược đất nước Việt Nam.
Quá trình tiếp nhận như vậy là quá trình làm giàu cho kho tàng văn hoá dân tộc. Nhưng, ở Hồ Chí Minh, sự tiếp biến, giao lưu văn hoá có mấy điểm đáng lưu ý nhất:
Một: có thái độ chủ động, không được có tinh thần đóng cửa, bài ngoại; nói như danh từ hiện đại thì là phải tích cực, chủ động hội nhập.
Hai: trong giao lưu văn hoá, phải tiếp thu những điều tốt đẹp, không lai căng. Với tinh thần đó, trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam không mặc cảm tự ty mà chủ động giao lưu và tự khẳng định bản sắc dân tộc mình. Hồ Chí Minh cho rằng, phải mở rộng kiến thức của mình về văn hoá thế giới, nhưng cũng tránh nguy cơ chúng ta trở thành những kẻ bắt chước; rằng, không thể lấy từ nghệ thuật của dân tộc khác những mặt nào đó mà không chú ý chọn lọc; văn hoá của dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể thu lại nhiều hơn cho văn hoá của chính mình.
Nói chủ động tiếp thu văn hoá của nước khác là nói trong cái thế của Việt Nam trong từng thời kỳ. Thường thì trên thế giới, người ta tổng kết có mấy con đường giao lưu văn hoá: 1. Con đường thương mại, tức là con đường hợp tác, trao đổi về làm ăn kinh tế (xưa gọi là con đường tơ lụa); 2. Con đường truyền giáo và tiếp nhận tôn giáo (do vậy, có những tôn giáo mang tính phổ biến toàn cầu, tiêu biểu nhất là ba tôn giáo lớn: Thiên chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo); 3. Con đường quan hệ chủ động, bình đẳng giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền; 4. Con đường chiến tranh xâm lược. Việt Nam không may, chủ yếu lại thông qua con đường thứ tư này. Ngày nay, Việt Nam đang mạnh lên qua con đường thứ ba. Còn trước đây, thực ra con đường thứ nhất, con đường thứ hai đều thông qua con đường thứ tư. Do vậy, việc giao lưu văn hoá Việt Nam mới có những nét đặc biệt. Chính bản thân Hồ Chí Minh là người thấu hiểu và muốn tăng cường giao lưu văn hoá qua con đường thứ ba, tức là qua quan hệ chủ động, bình đẳng giữa các quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Trong giao lưu, một vấn đề tất yếu xẩy ra: giữ lại cái gì và tiếp nhận, tạo ra cái gì? Đây chính là vấn đề muôn thuở trong bước đường tồn tại và phát triển của từng dân tộc. Bao giờ yếu tố văn hoá nền (cốt cách, bản sắc) của mỗi dân tộc không còn thì cũng tức là dân tộc đó bị mất đi.
Là một nhà văn hoá đồng thời là một nhà chính trị, Hồ Chí Minh chú ý ngay đến việc giữ gìn văn hoá bản địa khi đã có chính quyền cách mạng trong tay. Chính văn hoá bản địa là cái nền để tiếp biến. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc (ethny), hiện theo phân loại, có 54 dân tộc. Đây là một nền văn hoá thống nhất trong đa dạng. Hồ Chí Minh có quan điểm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá của 54 dân tộc trên đất Việt Nam, giữ gìn các vốn cổ, trong đó có ngôn ngữ dân tộc.
Hồ Chí Minh lưu ý cho mọi người trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, với những ý như: không phải cái gì cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Những điều Hồ Chí Minh nói như nguyên lý ứng xử văn hoá như vậy, nhưng trong cuộc sống thật không đơn giản.
Một tình trạng khác mà Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở: phát huy vốn cũ của dân tộc nhưng tránh phục cổ một cách máy móc. Hồ Chí Minh phê bình tình trạng khôi phục cả đồng bóng, rước xách thần thánh quên cả sản xuất, cứ trống mõ bì bõm, ca hát lu bù.
Ba: Hồ Chí Minh cũng lưu ý đến thái độ đúng đắn về nhận và cho. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam có thể tiếp nhận bất cứ cái hay nào của Âu, Mỹ nhưng điều cốt yếu là phải sáng tạo; mình đã hưởng cái hay của người thì mình cũng có cái hay cho người ta hưởng; mình đừng chịu vay mà không trả.
Sự tiếp biến văn hoá của Hồ Chí Minh được diễn ra trong suốt cuộc đời của mình, nhưng mạnh nhất, có hiệu quả nhất, đương nhiên là từ khi nước nhà đã giành được độc lập, xây dựng cuộc sống mới, lúc làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Đảng cầm quyền. Nhưng, cái nền, cái quan điểm của Hồ Chí Minh về vấn đề đó là nhất quán. Hồ Chí Minh thâu thái cổ kim Đông Tây, đem những cái tốt đẹp trong văn hoá của nhân loại hoà vào và phát triển cùng văn hoá dân tộc, nâng tầm văn hoá dân tộc lên, đưa văn hoá dân tộc đóng góp chung vào văn hoá thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau của các dân tộc, góp vào bước tiến chung của nhân loại.
Nguồn: thehehochiminh.wordpress.com
Read more…

Phó TGĐ UNESCO: “Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại”

7:51 PM |

Phó TGĐ UNESCO: “Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữ nguyên giá trị thời đại”

Hans D’Orville
“Chính vì tầm vóc vĩ đại của con người Hồ Chí Minh mà chúng ta đã vinh danh Người ở UNESCO và trên thế giới” – ông Hans D’Orville, Phó tổng giám đốc Tổ chức UNESCO tuyên bố.
Nhân buổi lễ mít tinh tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tối 14/5, để kỷ niệm lần thứ 120 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2010) và 20 năm ngày Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận Người là “ Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hoá kiệt xuất của Việt Nam”, ông Hans D’Orville, Phó tổng giám đốc Tổ chức UNESCO, đã có bài tham luận đặc biệt đánh giá về Tư tưởng Hồ Chí Minh. Sau đây là hoàn toàn bài tham luận của ông:
Trước hết, cho phép tôi được đặt một câu hỏi hơi đặc biệt “Hồ Chí Minh của năm 2010 này là ai?” Đối với những người thuộc thế hệ của tôi, ông là một gương mặt mang tính thời sự, là tâm điểm của rất nhiều cuộc tuần hành mà sinh viên trên toàn thế giới tổ chức để ủng hộ Việt Nam, đối với những thế hệ kế tiếp, ông là một gương mặt của lịch sử. Nhưng đối với tất cả chúng ta, ông luôn là biểu tượng mà cho đến nay ta vẫn còn phải suy ngẫm.
Là người giải phóng dân tộc và đấu tranh cho tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người lãnh đạo cuộc đấu tranh của Việt Nam để giành tự do và độc lập dân tộc. Đối với những người Việt Nam và các dân tộc trên thế giới, trước tiên đó là một con người của hoà bình của sự hoà giải vì phải công nhận rằng Hồ Chí Minh đã luôn đấu tranh cho sự phát triển của đất nước, của khu vực và thế giới.
Năm 2010 là dịp kỉ niệm lần thứ 120 ngày sinh của Người, và đây cũng là dịp để chúng ta cùng nhau ôn lại sự kiện cách đây 20 năm, vào năm 1989, tổ chức UNESCO đã quyết định kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh như một trong những nhân vật quan trọng và kiệt xuất của lịch sử. Theo nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng của “tinh thần dân tộc, người đã cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc trên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”
Hồ Chí Minh là một con người hội tụ nhiều tư tưởng thể hiện khát vọng của các dân tộc trên thế giới trong việc khẳng định bản sắc văn hoá và trong những nỗ lực nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Chúng ta không thể không nhắc đến những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật. Sự đóng góp này kết tinh truyền thống văn hoá hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam”.
Sự phong phú đa dạng của Việt Nam đều được thế giới biết đến, nhất là UNESCO. Quần thể di tích Cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn đã được đưa vào danh sách các di sản văn hoá thế giới của UNESCO. Chúng tôi cũng đã xếp hạng vịnh Hạ Long và vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng nằm trong hệ thống các di sản thiên nhiên của thế giới. Trong danh sách 166 di sản vật thể của UNESCO hiện nay cũng đã tính cả Nhã nhạc cung đình Huế và Không gian cồng chiêng Tây Nguyên. Cũng cần phải lưu ý rằng Hà Nội, hiện đang chuẩn bị cho Lễ hội nghìn năm của mình, cũng đã được UNESCO công nhận “Thành phố hoà bình” nhờ vào những tiến bộ đầy ấn tượng của thành phố đặc biệt là trong các lĩnh vực tôn tạo di tích cổ, hỗ trợ các hoạt động trao đổi văn hoá và nghệ thuật, thúc đẩy làng nghề thủ công truyền thống, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh cho người cao tuổi, bảo vệ môi trường và tạo ra nhiều không gian xanh. Đây cũng hoàn toàn là ý nguyện đáng được tôn trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông luôn theo đuổi trong suốt cuộc đời của mình.
Cuộc đời hoạt động chính trị của Người trước hết nhằm đấu tranh cho quyền con người và quyền các dân tộc. Ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Tuyên ngôn của Người bắt đầu bằng chính những từ được trích dẫn trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng, tạo hoá cho họ những quyền không thể xâm phạm: đó là quyền được sống, quyền được tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Quan điểm của Người đã nói trước được điều mà 15 năm sau, vào năm 1960, Liên hiệp quốc (LHQ) đã đưa vào trong Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa chính là sự chối bỏ các quyền cơ bản của con người và đi ngược lại với Hiến chương LHQ, điều này ảnh hưởng đến sự nghiệp đấu tranh vì hoà bình và hợp tác trên thế giới”.
Được giáo dục theo truyền thống Khổng giáo, cũng như chịu ảnh hưởng của nền giáo dục phương Tây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ tư tưởng của mình trên cơ sở dung hoà những sự khác biệt. Cũng từ những sự khác biệt này, Hồ Chí Minh đã biết đúc kết để xây dựng một bản sắc văn hóa Việt. Theo Người, “Văn hoá Việt Nam là kết quả của sự giao thoa của các nền văn hoá phương Đông và phương Tây. Chúng ta cần học những điều hay, kể cả từ văn hoá phương Đông và phương Tây, để tạo ra một bản sắc văn hoá riêng cho nền văn hoá Việt Nam”. Hồ Chí Minh đã đón nhận cách tiếp cận vẫn đề này một cách có ý thức. Theo Người, nếu như Khổng giáo chú ý nhiều đến tư cách đạo đức cá nhân thì Thiên chúa giáo lại chú trọng tới những gì hướng thiện, còn Chủ nghĩa Macxít lại chú ý tới tính biện chứng. Người đã nói, “tôi luôn cố gắng làm một học trò tốt của tất cả những người thầy này”. Thừa hưởng truyền thống dân tộc, Hồ Chí Minh đã luôn chia sẻ hiểu biết phong phú của mình, đồng thời cởi mở với thế giới.
Các cuộc hành trình trong cuộc đời đã khiến Bác Hồ trở thành công dân của thế giới đồng thời là đại sứ của Việt Nam trên khắp toàn cầu. Từ năm 1911, ở tuổi 21, Người đã đến sống làm việc tại Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc. Trong số rất nhiều những trường phái tư tưởng mà ông chịu ảnh hưởng, chúng ta có thể kể đến những điều mà ông học được từ Niu-óc qua Marcus Garvey, Người sáng lập ra Hiệp hội toàn cầu nhằm cải thiện điều kiện sống cho những người da đen, đồng thời cũng là một gương mặt nổi bật trong phong trào đấu tranh đòi quyền tự do của người Phi.
Mối quan tâm của Người đối với vấn đề giải phóng dân tộc càng lớn hơn nhất là sau Đại chiến thế giới thứ nhất, khi Người nhận ra rằng Hiệp ước Véc-sai không đề cập đến quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa, trong đó có cả Việt Nam. Chính vì thế, khi đến Pháp, Người đã đổi tên thành Nguyễn Ái Quốc, tức là Người yêu nước – tuy nhiên không phải là tình yêu nước hẹp hòi và thiển cận, bằng chứng là Hồ Chí Minh là một trong những thành viên sáng lập ra Đảng cộng sản Pháp, và lúc đó Người đã rất được quan tâm bởi bài phát biểu của mình về số phận các dân tộc thuộc địa.
Và chính những quan điểm này khiến chúng ta thấy được sự sự vĩ đại của Hồ Chí Minh, Người không bác bỏ một nước bởi vì đó là một nước thực dân đô hộ, mà Người bác bỏ mối quan hệ bất bình đẳng và bất công, điều mà Hồ Chí Minh đã tố cáo trong cuốn sách xuất bản tại Pháp mang tên “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Tôi xin được trính dẫn những câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Câu nói này có giá trị toàn cầu.
Xin được kể một câu chuyện vui, chúng ta đã biết rằng vị cha già của dân tộc Việt Nam khi còn trẻ đã từng viết một báo lên án xu hướng mà những người nói tiếng Pháp hiện nay gọi là lạm dụng ngôn ngữ Anh trong tiếng Pháp. Điều này cho thấy Hồ Chí Minh không chỉ là người dẫn đường cho dân tộc Việt Nam, mà còn là người soi sáng cho phong trào Pháp ngữ, một tổ chức mà Việt Nam cũng là thành viên và UNESCO có mối quan hệ rất tốt.
Là con người của sự đối thoại, là danh nhân văn hoá, Hồ Chí Minh phải tiếp tục được vinh danh không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp thế giới và đầu tiên là ở UNESCO, vì năm nay cơ quan này sẽ tổ chức Năm quốc tế nhằm thúc đẩy sự xích lại gần nhau của các nền văn hoá. Các chuyến bôn ba nước ngoài mà Người đã trải qua, những trào lưu tư tưởng mà ông đã tiếp nhận và đặc biệt là khả năng giao hoà những sự đa dạng mà Người đã tiếp thu đã khiến Hồ Chí Minh trở thành một người thầy về cuộc sống tiếp thu trong một thế giới có xu hướng toàn cầu hoá hiện nay.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự phụ thuộc lẫn nhau ngày càng tăng trong mọi khía cạnh cuộc sống của con người. Và như bà Tổng giám đốc UNESCO Irina Bokova đã nói, “để khắc phục tâm lý dễ bị tổn thương hiện đang gieo rắc khắp nơi, cần phải được tạo ra một phương thức hành động mới để bảo vệ sự hoà hợp xã hội và gìn giữ hoà bình”.
Chính vì ý thức được sự cần thiết này mà Đại hội đồng LHQ đã chọn năm 2010 là năm thúc đẩy các nền văn hoá xích lại gần nhau và chỉ định UNESCO là cơ quan tổ chức hoạt động này vì đã có đến 60 năm kinh nghiệm về sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Những gì UNESCO thực hiện trong năm nay cũng phù hợp với hành động cũng như ước vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời, đó là sự tôn trọng lẫn nhau giữa các nền văn hoá trong khu vực và trên thế giới. Mục tiêu của Năm quốc tế này là giúp xoá bỏ tất cả những hiểu lầm, thường xuất phát từ sự hiểu biết, từ những định kiến và thói bất chấp mọi thứ, dẫn đến những căng thẳng, bất ổn, bạo lực và xung đột trên thế giới. Điều đó có nghĩa là cần phải đấu tranh để tăng cường sự đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện cho sự tôn trọng các nền văn hoá của nhau, xoá bỏ những rào cản giữa các nền văn hoá khác nhau. Bởi vì trao đổi và đối thoại giữa các nền văn hoá chính là công cụ hữu hiệu nhất để xây dựng hoà bình.
Thay mặt cho UNESCO, tôi không thể không nhắc lại rằng mục tiêu hoà bình này, vị lãnh tụ giải phóng Việt Nam đã từng là thầy giáo và sự nghiệp giải phóng dân tộc đối với Người chính là “cuộc đấu tranh chống lại 3 kẻ thù: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Người thầy thực sự phải là người giải phóng và nhà giải phóng thực thụ cũng chính là người thầy. Tư tưởng của Hồ Chí Minh cũng hoàn toàn phù hợp với vai trò của UNESCO, luôn hoạt động theo phương châm “thúc đẩy mãnh mẽ sự nghiệp giáo dục toàn dân và truyền bá văn hoá”.
Sinh ra vào thời kỳ mà phần lớn dân số trên thế giới sống trong mù chữ, sự nghèo nàn về tinh thần này thường làm cho đói nghèo tăng gấp đôi, Hồ Chí Minh đã đóng góp rất nhiều vào sự nghiệp giáo dục cho tất cả mọi người. Năm 1945, trong lời hiệu triệu xoá nạn mù chữ, Người đã kêu gọi “Để bảo vệ nền độc lập quốc gia, để nâng cao vị thế và làm giàu đất nước, mỗi người trong chúng ta cần phải biết đích xác quyền lợi và trách nhiệm của mình là gì, cần phải có kiến thức mới để có thể góp phần xây dựng đất nước. Trước hết, mỗi người cần phải biết đọc, biết viết. Những người chưa biết viết cần cố gắng trau dồi học tập. Chồng dạy cho vợ, anh dạy cho em, chủ nhà phải dạy cho những người sống dưới mái nhà của mình. Những người giàu cần tổ chức lớp xoá nạn mù chữ tại nhà. Chị em phụ nữ cũng phải tích cực tham gia học tập, thậm chí còn phải hăng hái hơn vì hiện vẫn còn nhiều rào cản khiến chị em không thể nâng cao trình độ được. Giờ là lúc chị em cần phải theo kịp nam giới để xứng đáng là những công dân thực thụ”.
Hồ Chí Minh đã đưa ra thông điệp này cách đây 60 năm, nhưng đến nay nó vẫn còn giữ nguyên vẹn giá trị. Đặc biệt, sự chú trọng của Người đối với tình trạng bất bình đẳng về điều kiện sống và về thế giới cho đến nay vẫn mang tính toàn cầu và đúng với mọi lứa tuổi. Chúng ta có thể thấy tinh thần của thông điệp đó được phản ánh đầy đủ trong báo cáo mới đây về phổ cập giáo dục cho tất cả mọi người mang tên “Tiếp cận những người bị gạt sang bên lề xã hội”. Theo báo cáo này, tính đến nay, thế giới có 72 triệu trẻ em chưa được đến trường, trong đó 54% là các bé gái, và 759 triệu người lớn mù chữ trong đó có ¾ là phụ nữ. Như vậy chúng ta phải công nhận rằng thông điệp của Hồ Chí Minh mang giá trị toàn cầu và nó luôn có giá trị thời đại, bởi vì nó hướng tới tương lai. Cũng như chính Người đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.
Vậy để trả lời câu hỏi “Hồ Chí Minh của năm 2010 này là ai?”, tôi có thể kết luận rằng bản tính của Người là luôn lo lắng phấn đấu cho một tương lai được xây dựng trên nền tảng của sự công bằng, bình đẳng, biết truyền thụ và chia sẻ sự đa dạng văn hoá và được các nền văn hoá xích lại gần nhau. Chính vì tầm vóc vĩ đại của con người Hồ Chí Minh mà chúng ta đã vinh danh Người ở UNESCO và trên thế giới.
Nguồn: thehehochiminh.wordpress.com
Read more…

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên bìa tạp chí TIME

7:47 PM |
Tạp chí Time của Mỹ ra đời năm 1923. Trong hơn 85 năm qua, đã năm lần hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa tạp chí này.
Lần đầu tiên chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện ở bìa số ra ngày 22-11-1954 với chủ đề “Hồ Chí Minh của Đông Dương”.
Bài viết cho ảnh trang bìa nói về sự kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp, miền Bắc VN sống dưới chế độ cách mạng của chính quyền Hồ Chí Minh. Tác giả mô tả lại quang cảnh Hà Nội ngày giải phóng, khi đoàn quân Việt Minh từ rừng núi tiến về. Tiếp đó, hành trình cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được kể lại cùng với quá trình diễn ra cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Lần thứ hai chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện ở bìa số ra ngày 16-7-1965 với chủ đề “VN: miền Bắc không khoan nhượng”.
Đây là một năm sau ngày Mỹ đưa máy bay ra ném bom phá hoại miền Bắc. Bài viết cho ảnh trang bìa mang đầu đề Bắc VN: nhà mác xít trong rừng sâu: “Hà Nội đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh toàn thể. Hồ Chí Minh là thế, vị thánh râu dài của nước VN cộng sản, ở tuổi 75 ông là lãnh tụ cộng sản già nhất, từng trải nhất. Ông Hồ của Bắc VN đã đưa ra lập trường cuối cùng và kiên định nhất của mình, và cả đất nước non trẻ của ông đã sẵn sàng chiến thắng hay là chết cùng với ông. Dù cho không lực Mỹ bỏ bom ngày càng sát gần Hà Nội đông dân cư nhưng vẫn không thấy ông Hồ tỏ ra có dấu hiệu nao núng”.
Lần thứ ba Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa tờ Time là trong bức ảnh chụp chung với nhà ngoại giao Shelepin số ra ngày 14-1-1966.
Bìa số này đăng hai bức ảnh, phía trên bức này là bức ảnh chụp tổng thống Mỹ Johnson và các cố vấn đang họp bàn tại Ranch. Chủ đề của số này là “Cuộc tấn công hòa bình của Mỹ và sự đáp trả của cộng sản”. Bài viết cho ảnh trang bìa là Nhiệm kỳ tổng thống: sự thay đổi trên sân khấu đề cập thông điệp liên bang hăng năm của tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon Johnson mà trọng tâm vẫn là vấn đề cuộc chiến VN. Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trang bìa để nhấn mạnh hơn điều mà bài báo nêu lên khi bình luận bản thông điệp hăng năm của tổng thống Mỹ: “Công việc đầu tiên và quan trọng nhất của ông ta sẽ phải là quyết xem nước Mỹ sẽ đi về đâu trong cuộc chiến tranh VN”.
Lần thứ tư chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa Time là số ra ngày 12-9-1969.
Lúc này lãnh tụ VN vừa mất nên chủ đề của số là “Kỷ nguyên mới ở Bắc VN” cùng với bài viết cho ảnh trang bìa có tên Di sản của Hồ Chí Minh: “Khi vị Chủ tịch Bắc VN qua đời vì bệnh tim tuần trước ở Hà Nội, ông đã để lại một di sản được hoàn tất rất ấn tượng. Ông đã đưa lại ý niệm quốc gia cho nước VN. Ông đã tiến tới thể hiện một hình thức “chủ nghĩa cộng sản dân tộc” vừa giúp ông tách ra khỏi quỹ đạo Xô – Trung, lại vừa thúc đẩy cả hai cường quốc đó săn đón ông.
Với nguồn tài nguyên hạn chế của một dân tộc châu Á nghèo khổ – cộng với sự giúp đỡ từ Bắc Kinh và Matxcơva – ông đã chống lại được hỏa lực to lớn của một nước công nghiệp mạnh nhất trên Trái đất. Khi làm thế, ông đã buộc một tổng thống Mỹ phải rời khỏi nhiệm sở và làm hoen ố ký ức về một tổng thống khác. Ông đã đi sâu vào xã hội Mỹ thông qua cuộc chiến tới mức tác động đến giới trẻ phản kháng, đến những người da đen lo lắng không yên, đến những cận vệ binh của các giá trị cũ đang bị đe dọa – chính ngay hình ảnh của đất nước. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là dành để tạo ra một nước VN thống nhất, thoát khỏi sự đô hộ của ngoại bang. Không một lãnh tụ dân tộc nào còn sống hiện nay ngoan cường đứng vững được lâu đến thế trước mũi súng kẻ thù. Sự qua đời của ông chắc chắn sẽ còn lan rộng ảnh hưởng ở Bắc VN, châu Á và xa hơn nữa”.
Lần thứ năm chân dung Hồ Chí Minh xuất hiện trên bìa tờ Time là số ra ngày 12-5-1975, gần hai tuần sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bức ảnh mang dòng chữ “Người chiến thắng” với chủ đề là “Cái gì tiếp theo ở châu Á?”. Bài viết Lời tạm biệt nghiệt ngã cuối cùng bình luận về thắng lợi của nhân dân VN. Sự nghiệp giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh và nhân dân VN đã chiến thắng. Nước Mỹ từ đây sẽ phải điều chỉnh lại đường hướng của mình trên thế giới, nhưng không dễ mà “bỏ VN lại phía sau”
Nguồn: https://thehehochiminh.wordpress.com/2012/05/19/time/#more-1071
Read more…

Những bức huyết họa về Bác Hồ kính yêu

7:44 PM |
Khi ý chí và nghĩa tình dâng trào tột độ, người ta thường dùng những giọt máu quý báu của mình để biểu thị. Những bức "huyết thư", "huyết kháng thư" hay "huyết lệ thư"... từ lâu đã xuất hiện đó đây trên thế giới cũng như ở nước ta. Song cơ hồ ít nghe đến những bức "huyết họa" (tranh vẽ bằng máu). Vậy mà ở ta, ít nhất đã có đến bốn bức huyết họa về Bác Hồ kính yêu.
huyet hoa 1
Bức huyết họa Bác Hồ của tác giả Diệp Minh Châu năm 1947
 lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam
Trước hết phải nói tới bức "huyết họa" đầu tiên của nhà điêu khắc kiêm họa sĩ Diệp Minh Châu - quê Bến Tre. Trong dịp mừng lễ Độc lập năm 1947, ông đã chích máu từ cánh tay mình vẽ Bác Hồ với ba em nhỏ Bắc - Trung - Nam trên tấm lụa chiến lợi phẩm của bộ đội ta. Phía dưới tranh còn có dòng chữ: "Thay mặt cho văn nghệ sĩ kháng chiến Nam Bộ, con xin kính dâng Cha già Hồ Chí Minh một bức tranh đẹp nhất của đời con, và cũng là "tác phẩm" mà do chính Cha đã tạo nên".
Sau đó, Diệp Minh Châu đã nhờ Đoàn cán bộ miền Nam đi họp ở Việt Bắc mang bức tranh này dâng lên Bác. Nay bức tranh còn lưu tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Cũng ở Nam Bộ, trong cuốn "Những mẩu chuỵện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch", Trần Dân Tiên có ghi lại: "Ở Nam Bộ, một chiến sĩ du kích - họa sĩ bị thương ở chiến trường, trong khi chờ đợi cứu thương đến, đã lấy máu mình vẽ lên áo ảnh Hồ Chủ tịch".
Thật đáng tiếc là đến nay vẫn chưa biết được tên tuổi cụ thể người chiến sĩ - họa sĩ thương binh ấy và chiếc áo có ảnh Hồ Chủ tịch vẽ bằng máu ấy đi về đâu? Song, dẫu sao cũng được biết đến một sự tích đầy xúc động về một tấm lòng kính yêu Bác vô cùng sâu nặng của một chiến sĩ - họa sĩ thương binh vô danh. Và có lẽ phải ghi nhận: Đây là bức huyết họa thứ hai về Bác Hồ kính yêu!
huyet hoa 2
Bức huyết họa Bác Hồ của tác giả Lê Duy Ứng
 lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh
Từ sự tích vẽ Bác bằng máu của người chiến sĩ - họa sĩ thương binh vô danh ấy khiến người ta nhớ ngay đến người chiến sĩ - nghệ sĩ thương binh nặng, mắt mờ, đang hiện diện với bức huyết họa chân dung Bác mang nhiều ý nghĩa lịch sử, và nay, nghệ sĩ vẫn tiếp tục say mê sáng tác về Bác Hồ vĩ đại. Đó là họa sĩ kiêm điêu khắc gia - Đại tá Lê Duy Ứng - đang công tác tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Bức vẽ của Lê Duy Ứng là bức huyết họa thứ ba về Bác, và đó là bức thứ hai vẽ bằng máu bị thương nơi chiến trường. Trong giờ phút nguy kịch tưởng sắp hy sinh, ngay trên tháp xe tăng đang bốc cháy, trong bóng đen mờ mịt, Lê Duy Ứng đã cố mò tìm giấy bút, và lấy máu ở vết thương mình vẽ chân dung Bác ở giữa, hai bên là cờ Đảng và cờ Nước, phía dưới ghi câu: "Ánh sáng và niềm tin. Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân". Bức tranh này Lê Duy Ứng đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Bác.
Bức huyết họa thứ tư là của họa sĩ Ngô Quang Nam - nguyên là Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật - Bộ Văn hóa thông tin, con trai của cụ Ngô Đức Tĩnh - cán bộ hoạt động cách mạng bí mật ở Thái Bình, mà nhiều người đều biết đến dòng họ Ngô có công với nước.
Đang tu nghiệp ở Viện Hàn lâm mỹ thuật Praha - Tiệp Khắc, lúc nằm bệnh viện, nghe tin Bác mất, Ngô Quang Nam đã lấy máu ở tay mình vẽ chân dung Bác để ghi tạc nỗi mất mát lớn lao. Phía dưới bức tranh còn viết những dòng thơ đầy tâm huyết của họa sĩ đối với Bác: Chúng con quê ở trăm miền / Dù trong Nam hay ngoài Bắc / Dù xa quê hương hàng vạn dặm / Trong tim vẫn có máu Bác chuyển hồi / Nay Bác đã mất rồi! / Tim chúng con như ngừng đập / Bác ơi!
Họa sĩ Ngô Quang Nam đã tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh bức tranh quý giá ấy của mình vào dịp kỷ niệm lần thứ 110 Ngày sinh của Bác Hồ kính yêu.
Theo Lao động
Thu Hiền (st)
Read more…

Những bức ảnh màu hiếm có của Chủ tịch Hồ Chí Minh

7:43 PM |
Khi xem những bức hình về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mỗi người Việt Nam đều thấy cảm giác như Bác vẫn đang ở rất gần.

anh mau hiem ve Bac.1.1
(Ảnh: Đinh Đăng Định).

Bác Hồ chụp ảnh với 2 cháu thiếu nhi Vũ Thu Giang (bên trái) và Đặng Minh Châu (bên phải). Những ngày ấy, bé Vũ Thu Giang, lúc đó mới 7 tuổi, thường chơi đùa ở cơ quan của mẹ, một cán bộ trí thức giữ cương vị nòng cốt trong Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, gần nơi tổ chức đại hội. Trong giờ nghỉ, bé Thu Giang và Đặng Minh Châu (con gái của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó) được gọi vào ăn cơm cùng với Bác. Ngày khai mạc đại hội, tổ chức sang cơ quan Hội Phụ nữ nhờ bé Thu Giang và bé Minh Châu đại diện cho thiếu niên, nhi đồng cả nước dâng hoa mừng Bác Hồ, bác Tôn và các anh hùng, chiến sĩ thi đua.
“Đề nghị khá bất ngờ nên mọi người vội vào rừng hái hoa để chúng tôi dâng tặng các Bác và Anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên… Sau đó, chúng tôi được chụp ảnh chung với Người. Trong ảnh, Bác Hồ và chị Minh Châu cười rất tươi nhưng tôi chỉ cười mỉm vì lúc đó đang thay răng nên rất ngại. Tối hôm đó, bé Thu Giang còn tham gia buổi biểu diễn văn nghệ mừng đại hội, đóng một vai “nhí” trong vở kịch nông dân vùng lên chống thực dân. Lúc diễn, có đoạn giằng co, ruột tượng đựng gạo trên vai rơi ra, gạo bị vãi hết xuống sàn. Kết thúc vở kịch, Bác Hồ lên sân khấu, lấy một mẩu giấy vun các hạt gạo rơi, đổ lại vào một cái hũ”, bà Thu Giang vui vẻ kể lại. Giờ đây bà đang công tác tại Đại học Xây dựng và Đại học Kinh tế Quốc dân.

anh mau hiem ve Bac.1.2
Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. (Long Hy Sưu tầm)

anh mau hiem ve Bac.1.3
Bác cho cá ăn bên ao cá tại khu Phủ Chủ tịch.
anh mau hiem ve Bac.1.4
Long Hy (Sưu tầm)

Bác Hồ gắn huy hiệu cho Anh hùng thủy lợi Phạm Thị Vách tại xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên năm 1960. Chị Phạm Thị Vách nổi tiếng trong các phong trào thủy lợi “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Tuổi đôi mươi, chị Vách là kiện tướng thủy lợi. 22 tuổi được phong Anh hùng Lao động và hai năm sau, trở thành đại biểu Quốc hội liên tiếp ba khóa: III, IV, V. Tự hào hơn, “nữ Sơn Tinh” Phạm Thị Vách đã vinh dự hai lần được nhận Huy hiệu Bác Hồ.

anh mau hiem ve Bac.1.5
Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc 1951.
anh mau hiem ve Bac.1.6
Bác Hồ quàng khăn đỏ (của thiếu nhi quốc tế tặng thiếu nhi Việt Nam) cho một đại biểu thiếu nhi Thủ đô tại nhà khách Phủ Chủ tịch khi các cháu đến chúc tết Người nhân dịp Xuân Canh Tý, ngày 28/1/1960 (Cháu gái đã vinh dự được Bác Hồ quàng khăn đỏ tên là Nguyễn Thị Đỉnh, học sinh lớp 6 Trường cấp II Trưng Vương, Hà Nội).Long Hy (Sưu tầm)

anh mau hiem ve Bac.1.7
Bác Hồ gắn huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho cán bộ chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch. Long Hy (Sưu tầm)
 anh mau hiem ve Bac.1.8
Bác Hồ làm việc trong hang núi Việt Bắc 1951Long Hy (Sưu tầm
anh mau hiem ve Bac.1.9
Bác Hồ tại phòng khách Phủ Chủ tịchLong Hy (Sưu tầm)

 anh mau hiem ve Bac.1.10
Bác Hồ trong Chiến dịch Biên Giới, năm 1950. Căn lều dựng tạm khi Người trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới năm 1950 (Nơi ở của Người di chuyển theo trận đánh, có khi chỉ là túp lều cỏ dựng tạm vài hôm)
Long Hy (Sưu tầm)
anh mau hiem ve Bac.1.11
Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn, Nghệ An (1957) trong niềm hân hoan của
bà con chòm xóm. Long Hy (Sưu tầm)

anh mau hiem ve Bac.1.12
Bác Hồ với Bác Tôn 1960. Long Hy (Sưu tầm)

Theo Báo Giáo dục Việt Nam/ Huyền Trang (st)
Read more…